Quan chức cấp cao Nga chỉ ra mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant ngày 16/7, ông Sergey Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Nga.

Chú thích ảnh
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu. Ảnh: TASS

“Chúng ta không nên quên rằng NATO vẫn là mối đe dọa then chốt đối với an ninh quốc gia Nga”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Shoigu, lực lượng quân sự của NATO hiện có hơn 4 triệu binh sĩ, sở hữu hơn 50.000 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép, hơn 7.000 máy bay chiến đấu cùng hơn 750 tàu chiến. Ông lưu ý việc các quốc gia thành viên NATO tiếp tục lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng sẽ càng gia tăng tiềm lực quân sự của liên minh này.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng cho biết các nước NATO đang vận hành một cụm khoảng 350 vệ tinh quân sự và dân sự, được sử dụng tích cực trong xung đột tại Ukraine nhằm hỗ trợ các hoạt động chống Nga. Ông cũng đề cập đến sự tham gia của hàng nghìn vệ tinh Starlink trong cuộc xung đột.

Về tình hình Ukraine, ông Shoigu cho rằng quốc gia này đã trở thành “vấn đề thứ yếu” đối với NATO và thậm chí còn mang tính “gây bất lợi một cách công khai” cho khối liên minh.

Dù vậy, ông Shoigu nhận định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn nhận được các cam kết hỗ trợ tiếp tục từ phương Tây, bao gồm viện trợ tài chính và quân sự bổ sung. Tuy nhiên, theo ông, vẫn tồn tại những điểm “bất cập” khi khoản viện trợ cho Ukraine sẽ được tính vào tổng chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu.

Cũng theo ông Shoigu, kể từ năm 2022, các thành viên NATO đã phân bổ hơn 234 tỷ USD viện trợ cho Kiev, riêng Mỹ đóng góp hơn một nửa trong số đó.

Trước đó, ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận với NATO về việc cung cấp vũ khí hỗ trợ Kiev trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công nhằm vào Ukraine.

“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận hôm nay: chúng tôi sẽ gửi cho Ukraine vũ khí và châu Âu sẽ chi trả. Mỹ sẽ không thanh toán bất kỳ khoản nào. Chúng tôi sẽ không mua, nhưng chúng tôi sẽ sản xuất và châu Âu sẽ trả tiền cho số đó”, ông nói.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte gọi thỏa thuận này là “một bước tiến rất lớn” và nhấn mạnh rằng “châu Âu đang thể hiện vai trò dẫn dắt”.

“Đây mới chỉ là làn sóng đầu tiên và sẽ còn nhiều nữa. Các quốc gia châu Âu mong muốn tham gia vào sáng kiến này”, ông Rutte nói thêm.

Khi được hỏi về thời điểm các vũ khí, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot, sẽ được chuyển đến Ukraine, Tổng thống Trump cho biết một số lô vũ khí sẽ được chuyển giao “rất sớm, chỉ trong vài ngày tới”. Ông cũng nói thêm rằng các quốc gia châu Âu hiện đang sở hữu hệ thống Patriot sẽ tiến hành bàn giao chúng cho Ukraine.

Tổng Thư ký NATO tiết lộ trong đợt viện trợ tiếp theo, Ukraine sẽ nhận được thêm nhiều loại khí tài quân sự, không chỉ giới hạn ở hệ thống tên lửa Patriot.

Về phần mình, Điện Kremlin từng cảnh báo việc Mỹ và châu Âu tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến chiến sự kéo dài, đồng thời chỉ trích phương Tây vì “đổ thêm dầu vào lửa” xung đột.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Thông điệp cứng rắn với Mỹ và NATO từ phát hiện mới về các cơ sở hạt nhân của Nga
Thông điệp cứng rắn với Mỹ và NATO từ phát hiện mới về các cơ sở hạt nhân của Nga

Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Liên bang Nga đã âm thầm mở rộng một số cơ sở vũ khí hạt nhân chủ chốt trong những năm gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN