Quan chức yêu cầu giấu tên này nhấn mạnh Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan "cần phải hiểu rằng việc triển khai binh sĩ ở Qatar trong bối cảnh GCC đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay được xem là lời tuyên bố chiến tranh".
Các nước láng giềng của Qatar đã tức giận trước cảnh quay của xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ lăn qua Doha. Nguồn ảnh: telegraph.co.uk |
Nhân vật này khẳng định tất cả các quốc gia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar đều tôn trọng chủ quyền của Doha và biện pháp quân sự không phải là một lựa chọn cho khủng hoảng giữa các bên, đồng thời nhấn mạnh rằng "chính sách can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đang biến mọi người trở thành kẻ thù của Ankara và chính phủ của ông Erodgan cần phải khôn ngoan trong các hành động của mình ở khu vực".
Sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hôm 5/6, Doha đã tìm kiếm đối tác đồng thời là đồng minh chiến lược tại Thổ Nhĩ Kỳ. Để giúp Qatar vượt qua giai đoạn khó khăn do bị phong tỏa cả về ngoại giao và kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 105 máy bay chở lương thực và các hàng hóa cứu trợ khác tới quốc gia vùng Vịnh này kể từ thời điểm bắt đầu xảy ra khủng hoảng ngoại giao.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng thông qua luật cho phép triển khai thêm binh sĩ tới Qatar, 23 binh sĩ đã được điều tới Doha. Căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar hoạt động với mục tiêu hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Qatar cũng như tăng cường an ninh cho nước này. Tuy nhiên, việc triển khai 5.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar không thể xem là một phần của hợp tác quân sự song phương giữa Doha và Ankara, mà là nhằm mục đích bảo vệ chế độ Tamim trước nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia láng giềng.
Cũng trong ngày 26/6, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed al-Khalifa đã cáo buộc Qatar gây leo thang quân sự trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với các cường quốc khu vực, động thái rõ ràng ám chỉ quyết định của Doha cho phép Thổ Nhĩ Kỹ điều thêm quân vào lãnh thổ nước này.
Ba tuần sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc bảo trợ chủ nghĩa ủng bố, 4 nước Arab gồm Bahrain, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập đã gửi bản yêu sách gồm 13 điểm kèm "tối hậu thư" tới Doha thông qua nước trung gian hòa giải Kuwait, trong đó có yêu cầu Qatar đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này. Tuy nhiên, đáp lại các động thái mới nhất của các nước Arab, Qatar đã thẳng thừng tuyên bố bản yêu sách đó không hợp lý và vi phạm chủ quyền của Doha.