Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trả lời phỏng vấn báo chí ở Doha ngày 8/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bản yêu sách 13 điểm này còn có yêu cầu Doha công khai cắt đứt quan hệ với các nhóm Hồi giáo, dừng việc hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, và giao nộp những đối tượng mà Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập chỉ định là khủng bố.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Sabbah Zanganeh, một nhà bình luận chính trị và là cựu cố vấn của Ngoại trưởng Iran, cho rằng Doha sẽ không thực hiện đầy đủ những yêu cầu nói trên. “Những yêu cầu này là không thể chấp nhận được và dựa vào thái độ đạo đức giả. Các quốc gia vùng Vịnh đang nhầm lẫn nếu họ tin rằng áp lực chính trị và kinh tế có thể khiến Doha cắt đứt quan hệ với Iran. Nỗ lực này giống như mánh khóe gian lận”, ông Zanganeh nói. Cựu cố vấn của Ngoại trưởng Iran còn nói thêm rằng nếu có thể, Doha đã thực hiện bước đi này từ lâu để tránh bị cô lập.
Theo ông Zanganeh, những cáo buộc của Saudi Arabia rằng Qatar tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố là “không phù hợp và không có khả năng giải quyết vấn đề”. “Không nước nào (trong các nước vùng Vịnh) có quyền ngay lập tức áp đặt phong tỏa kinh tế nghiêm ngặt như vậy đối với một nước láng giềng. Nếu Riyadh có bằng chứng đối với những cáo buộc đó, thì nước này phải đưa nó ra một tòa án quốc tế để có một cuộc điều tra không thiên vị. Nếu đó là chứng cứ được xác thực thì tình hình sẽ khác. Nhưng bản tối hậu thư mà Saudi Arabia đưa ra đã gây ra những rủi ro đối với chính vương quốc này”, chuyên gia Zanganeh nêu rõ.
Ông Zanganeh chỉ ra rằng có nhiều cáo buộc rằng Riyadh cung cấp “sự ủng hộ và chính trị, tư tưởng, tài chính và quân sự cho những kẻ khủng bố” và sớm hay muộn thì thông tin này sẽ được “củng cố với thực tế”.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng dù chuyện gì xảy ra, Iran sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Qatar, một trong những nguyên tắc về thực hiện chính sách đối ngoại của Tehran. “Thậm chí nếu Saudi Arabia cần viện trợ nhân đạo thì Iran sẽ giúp đỡ. Đây là một nguyên tắc bất khả xâm phạm trong chính sách đối ngoại của Tehran. Theo nguyên tắc này, Iran không chính trị hóa việc hỗ trợ cho các quốc gia khác bất chấp những khác biệt về chính trị”, ông Zanganeh nói.
Đồng quan điểm với ông Sabbah Zanganeh, nhà báo James Dorsey, chuyên gia phân tích tình hình Trung Đông tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định rằng những yêu sách nói trên sẽ làm sâu sắc thêm
cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bởi Saudi Arabia và các đồng minh đang cố gắng áp đặt ý muốn của riêng họ lên Qatar.
“Nỗ lực áp đặt ý muốn của Saudi Arabia và UAE lên Qatar… điều hiển nhiên là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng là thừa nhận những bất đồng, và tìm một cách giải quyết giữ thể diện cho cả hai bên. Thực tế là những yêu sách khiến cho việc tìm được một giải pháp còn khó khăn hơn”, chuyên gia Dorsey nói.
Ông Dorsey cho rằng Qatar sẽ không tuân theo những yêu cầu này, bởi làm như vậy sẽ đồng nghĩa với việc “từ bỏ nền độc lập của nước này”. Ông nói rằng ông không thấy “có cách nào mà Qatar có thể chấp nhận những yêu cầu này mà không trở thành một tỉnh của Saudi Arabia hay một tiểu vương quốc của UAE”.
Những yêu cầu của các quốc gia Arab không được Qatar công bố chính thức, nhưng kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Doha đêm 22/6 cho biết tài liệu này do Kuwait, một bên trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, trao cho Qatar.
Theo kênh truyền hình Al-Jazeera, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu đưa ra một danh sách gồm 13 yêu cầu, trong đó có yêu cầu Qatar đóng cửa kênh Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, trục xuất tất cả thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, cắt đứt mọi hợp tác quân sự với Tehran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.
Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các "tổ chức khủng bố", trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo,"Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và phong trào Hezbollah ở Liban.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.