Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. |
Ngày 23/6, Saudi Arabia và các nước đồng minh đã gửi tới Qatar
bản tối hậu thư bao gồm 13 điều kiện mà Doha cần phải đáp ứng để có thể nối lại mối quan hệ với các quốc gia Arab khác.
Tối hậu thư yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất của Qatar và đóng cửa hãng truyền hình Al Jazeera.
Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các "tổ chức khủng bố", trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo,"Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và phong trào Hezbollah ở Liban.
Hơn thế nữa, Qatar phải trả một khoản bồi thường tài chính, mặc dù vẫn chưa rõ tổng giá trị khoản tiền là bao nhiêu.
Phản ứng trước yêu sách 13 điểm, chính quyền Doha gọi những yêu cầu đó là “không thực tế” và “phi pháp”. Qatar hối thúc các quốc gia vùng Vịnh phải xem xét thay đổi các điều kiện. Theo Bộ Ngoại giao Qatar, các lệnh trừng phạt được áp đặt đang âm mưu tác động đến chủ quyền của Qatar và can thiệp vào chính sách ngoại giao của Doha.
Theo Konstantin Truevtsev – một chuyên gia tại câu lạc bộ bình luận Valdai đồng thời là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Oriental thuộc Đại học Khoa học Nga, tình hình hiện tại xoay quanh Qatar có thể gây ra một cuộc xung đột.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, ông Truevtsev nhận định: “Tôi nghĩ rằng việc này có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột nghiêm trọng. Đó là một bản tối hậu thư. Sẽ khó cho Qatar đáp ứng được những yêu cầu đó nếu như Doha muốn gìn giữ chủ quyền. Trong trường hợp này, nó còn hơn cả một sự phong tỏa hoặc tuyệt giao quan hệ. Hiện tại, mọi thứ đang ở bờ vực chiến tranh”.
Ông Truevtsev giải thích: “Ít nhất có 3 yêu cầu không thể đáp ứng được, bao gồm cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và kênh Al Jazeera”.
Chuyên gia chỉ ra rằng kênh Al Jazeera là một trung tâm thông tin, và việc đóng cửa nó sẽ trở thành “một mối đe dọa to lớn, cả về mặt tài chính lẫn danh tiếng”.
Trước đó, vào 5/6, một số nước vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Vương quốc Bahrain, Ai Cập… đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và đóng cửa không phận, biên giới trên biển và đất liền với Qatar, cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố, đặc biệt là phong trào khủng bố Anh em Hồi giáo, cũng như can thiệp các vấn đề nội bộ các quốc gia khác.
Kuwait và Oman là hai thành viên duy nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) không tham gia lần phong tỏa này.
Bộ Ngoại giao Qatar đã phủ nhận mọi lời cáo buộc và bày tỏ sự nuối tiếc trước quyết định trên của các nước.
Khủng hoảng vùng Vịnh bắt đầu từ sự cố hãng thông tấn Qatar đăng một tuyên bố của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani kêu gọi thiết lập quan hệ với Iran và công khai ủng hộ tới phong trào Anh em Hồi giáo.
Doha sau đó cho biết trang web của hãng thông tấn này bị tấn công và Quốc vương không hề có bất kỳ lời tuyên bố nào như trên. Saudi Arabia, UAE và Bahrain cho rằng lời giải thích đó không hề thuyết phục.