Cụ thể, báo cáo ngày 14/7 của Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng 1,0% trong tháng Sáu vừa qua, sau khi tăng 0,8% trong tháng 5. Tính từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, chỉ số PPI của Mỹ đã tăng 7,3%. Đó là mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 11/2010, và xếp sau là mức tăng 6,6% của tháng Năm. Kết quả này cũng “đánh bại” dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters khi cho rằng PPI của Mỹ trong tháng Sáu sẽ tăng 0,6% so với tháng trước đó và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cả hàng hóa cao hơn và chi phí lao động tăng do thiếu hụt nhân công đã làm tăng mức lạm phát giá sản xuất. Với lượng hàng tồn kho ở mức rất thấp do các vấn đề về chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất dễ dàng đẩy chi phí cao hơn cho người tiêu dùng hứng chịu.
Báo cáo của Chính phủ Mỹ ngày 13/7 cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng Sáu tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008.
Việc nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại nhờ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh đã khiến lạm phát tăng do các nút cổ chai về nguồn cung cũng như các nguyên nhân như các công ty cho thuê xe gặp khó khăn trong việc tăng lượng xe và tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến sản xuất ô tô. Giá năng lượng cũng tăng sau giai đoạn giảm do các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, với giá xăng tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chưa điều chỉnh và tăng 2,5% so với tháng Năm. Giá thực phẩm cũng tăng các mức tương ứng 2,4% và 0,9%.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ trình bày Báo cáo về Chính sách tiền tệ định kỳ nửa năm trước Quốc hội vào cuối ngày 14/7 và sự chú ý của thị trường tài chính sẽ đổ dồn vào quan điểm của ông về dữ liệu lạm phát mới nhất.
Ông Powell từ lâu đã duy trì nhận định rằng mức lạm phát cao chỉ là nhất thời, một quan điểm được hầu hết các nhà kinh tế và Nhà Trắng chia sẻ. Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng lạm phát của Mỹ đã hoặc gần đạt đến đỉnh điểm, lưu ý rằng giá một số dịch vụ đang tiến gần đến mức trước đại dịch.
Alexander Lin, nhà kinh tế Mỹ tại Bank of America Securities (có trụ sở ở New York) cho biết, khi giá trở lại mức trước đại dịch, xu hướng tăng giá sẽ hạn chế hơn do người tiêu dùng trở nên nhạy cảm với giá như trong thời kỳ bình thường.
Fed đã giảm lãi suất chuẩn qua đêm xuống gần 0% vào năm ngoái và đang bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu hàng tháng. Lập trường chính sách tiền tệ cực lỏng, cùng với chương trình tiêm chủng COVID-19 và gần 6.000 tỷ USD cứu trợ của Chính phủ kể từ khi đại dịch bắt đầu ở Mỹ vào tháng 3/2020 đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Fed cho biết ngân hàng này có thể chịu đựng lạm phát cao hơn trong một thời gian để bù đắp cho những năm lạm phát thấp hơn mục tiêu 2%.