Sự rạn nứt trên trở nên rõ ràng khi các bộ trưởng quốc phòng EU họp hôm 28/5 để thảo luận về hậu quả nếu đưa ra quyết định như vậy. Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh chuyến thăm EU của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Không phải tất cả các chính phủ châu Âu đều phản đối Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga. Như vậy, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia và Latvia cho rằng Ukraine có quyền sử dụng vũ khí nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, trong khi Tây Ban Nha, Italy và Bỉ thì phản đối.
Đánh giá về vấn đề trên, Alexey Chikhachev, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), cho rằng sự chia rẽ trong phe ủng hộ Ukraine là do quan điểm khác nhau về những rủi ro liên quan.
Ông Chikhachev nói: “Nỗi lo ngại về việc những vũ khí này được sử dụng sẽ dẫn đến phản ứng tiềm tàng từ Nga và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho chính các nước châu Âu chắc chắn vẫn là yếu tố cản trở lớn”.
Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg là nổi bật vì ông phát biểu thay mặt cho toàn bộ liên minh này. Ông Stoltenberg nói với tờ Economist hôm 27/5 rằng các thành viên NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine nên chấm dứt lệnh cấm sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga.
Phản ứng trước quyết định cho phép lực lượng Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tuyên bố rằng cần phải duy trì cân bằng giữa nguy cơ leo thang và nhu cầu tự vệ của Ukraine.
Bất chấp áp lực ngày càng tăng lên Washington để cho phép tấn công bằng vũ khí do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu quân sự ở Nga, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng thay đổi lập trường.
“Quan điểm của chúng tôi không thay đổi ở giai đoạn này. Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công đất Nga”, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết.