Một cường quốc châu Âu trong NATO phản đối Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu ở Nga

Lời kêu gọi đồng minh NATO xem xét lại các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu ở Nga đã gây ra sự tức giận trong chính phủ Italy.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: EPA/TTXVN

Chính phủ Italy đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg liên quan đến việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, mạng tin Euractiv.it (Italy) ngày 28/5 đưa tin.

Ông Stoltenberg trước đó cho rằng đã đến lúc đồng minh NATO xem xét lại các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu ở Nga, một thông điệp đã gây ra phản ứng tức giận trong chính phủ Italy.

Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini thậm chí còn cảnh báo: “Ông Stoltenberg nên rút lại tuyên bố của mình, xin lỗi hoặc từ chức. NATO không thể ép chúng tôi giết người ở Nga, cũng như không ai có thể buộc chúng tôi đưa binh sĩ Italy sang chiến đấu hoặc chết ở Ukraine”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani tỏ ra thận trọng hơn, chỉ trích việc ông Stoltenberg công bố vấn đề mà các quốc gia thành viên chưa thống nhất: “Chúng tôi là một phần không thể thiếu của NATO, nhưng mọi quyết định phải được đưa ra với sự thống nhất chung”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto lặp lại quan điểm trên, nói rằng việc gia tăng căng thẳng là “sai lầm” trong một tình huống vốn đã “nóng bỏng và kịch tính”.

Trong khi tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine, Ngoại trưởng Crosetto nhấn mạnh sự cần thiết phải “để ngỏ khả năng đàm phán về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình trong những tháng tới”.

Trước đó Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng phản ứng với lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO Stoltenberg, bày tỏ sự bối rối trước tuyên bố của ông: “Tôi không hiểu tại sao ông Stoltenberg lại nói như vậy. Tôi đồng ý rằng NATO phải giữ vững lập trường và không thể hiện dấu hiệu yếu kém. Nhưng đã có nhiều tuyên bố đáng nghi ngờ, trong đó có cả từ Tổng thống Pháp. Tôi đề nghị mọi người nên thận trọng hơn”.

Hôm 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO kêu gọi các nước thành viên dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Cụ thể, Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua tuyên bố kêu gọi các quốc gia NATO ủng hộ "quyền quốc tế" của Ukraine để tự bảo vệ mình bằng cách dỡ bỏ "một số hạn chế" đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí quan trọng cho Ukraine và hơn 200 đại diện của các quốc gia thành viên NATO đã ủng hộ tuyên bố này. Một số quốc gia NATO, bao gồm cả Anh, đã dỡ bỏ những hạn chế như vậy đối với vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine, nhưng chưa có nhiều quốc gia phương Tây làm như vậy.

Khi trả lời câu hỏi về việc Ukraine sử dụng vũ khí do Thụy Điển cung cấp tấn công vào lãnh thổ Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nói với hãng tin Thụy Điển Halllandsposten ngày 26/5 rằng nước này ủng hộ quyền của Ukraine theo luật pháp quốc tế để tự vệ miễn là các hoạt động này tuân thủ luật pháp quốc tế về chiến tranh.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Chuyên gia bình luận về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí NATO tấn công lãnh thổ Nga
Chuyên gia bình luận về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí NATO tấn công lãnh thổ Nga

Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua tuyên bố mới kêu gọi các thành viên của liên minh dỡ bỏ một số hạn chế cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ trên lãnh thổ Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN