Theo đài RT (Nga), trong cuộc phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag của Đức, ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Mặc dù NATO đang tăng cường hỗ trợ hoạt động phòng thủ của Ukraine, nhưng chúng tôi không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine”.
Ông cũng khẳng định NATO sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột. Ông cho rằng Kiev vẫn có thể giành lại thế thượng phong dù dường như Nga đang đạt được điều đó. Theo ông Stoltenberg, để đảm bảo điều này, các quốc gia thành viên NATO nên gửi thêm vũ khí và đạn dược tới Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không và vũ khí tầm xa.
Bình luận của ông Stoltenberg được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ và các đồng minh bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái Nga trên bầu trời Ukraine để ngăn chặn các vụ tấn công, như cách Mỹ và Anh đã hỗ trợ Israel bắn hạ tên lửa Iran tháng trước. Tuy nhiên, cả Washington và London đều cho rằng 2 trường hợp này hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông Zelensky tuyên bố ông thấy không có vấn đề gì với sự tham gia này của NATO, đồng thời cho rằng hành động này không phải là một “cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”.
Trong diễn biến liên quan, hôm 22/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Pawel Wronski nói với truyền thông Ukraine rằng, nước này đang cân nhắc cả yếu tố pháp lý và kỹ thuật về khả năng sử dụng hệ thống phòng không của mình để bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, nhà ngoại giao cấp cao trên nói thêm rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Tuần trước, các đảng đối lập ở Đức cũng tuyên bố ủng hộ ý tưởng bắn hạ tên lửa Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz đã bác bỏ kịch bản lập một vùng cấm bay ở Ukraine do NATO kiểm soát vì cho rằng đó là động thái nguy hiểm.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng dù điều quan trọng là tiếp tục hỗ trợ Kiev nhưng cả Đức, EU hay NATO đều không nên trở thành một bên trong cuộc xung đột và không nên được yêu cầu làm vậy. Ông cảnh báo diễn biến này có thể gây ra “phản ứng khó lường” từ Moskva.
Giới chức Nga đã nhiều lần cảnh báo việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Ukraine đồng nghĩa với việc các quốc gia phương Tây đã trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.