Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Jaipur, Ấn Độ, ngày 22/4/2025. Ảnh: ANI/TTXVN
Hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS ngày 7/5 cho biết trong một phát biểu cùng ngày tại Hội nghị Lãnh đạo Munich tổ chức ở Washington, D.C., Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nói rằng “có lẽ là không thể” để Washington “hoàn toàn làm trung gian cho vấn đề này (xung đột Nga – Ukraine) mà không có ít nhất một số cuộc đàm phán trực tiếp” giữa Moskva và Kiev.
Theo ông Vance, Washington tin rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moskva và Kiev nên là bước quan trọng tiếp theo trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
Ông Vance nói: “Chúng tôi cho rằng rất khó để chúng tôi có thể làm trung gian hoàn toàn nếu không có ít nhất một số cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên, và đó chính là điều mà chúng tôi đang tập trung hướng tới”
Báo USA Today ngày 7/5 cho biết thêm trong phát biểu của mình, ông Vance còn cho biết chính quyền Trump tin rằng Liên bang Nga đang “đòi hỏi quá nhiều” và “điều rất quan trọng là người Nga và người Ukraine bắt đầu nói chuyện với nhau”.
Theo USA Today, nhiều quan chức trong chính quyền Trump, bao gồm cả Tổng thống, từng đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình nếu Mỹ cảm thấy tiến trình đạt được thỏa thuận không đủ tiến triển.
Phó Tổng thống Mỹ cho biết các tối hậu thư như vậy có thể sẽ xuất hiện ở mọi giai đoạn của đàm phán và ông cũng tỏ ra bi quan về triển vọng đạt được thỏa thuận.
Một vấn đề then chốt mà Mỹ đã ngừng theo đuổi là việc thiết lập một lệnh ngừng bắn tạm thời. Ukraine đã đồng ý với một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, nhưng Liên bang Nga không coi đó là lợi ích chiến lược của họ, theo lời ông Vance.
“Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng vượt qua sự ám ảnh với lệnh ngừng bắn 30 ngày và tập trung nhiều hơn vào những gì mà một giải pháp lâu dài sẽ trông như thế nào, và chúng tôi đã nhất quán thúc đẩy tiến trình”, Phó Tổng thống Mỹ nói thêm.
Ông Vance bảo vệ các cuộc đàm phán giữa chính quyền Trump và Liên bang Nga, vốn từng bị các bên ủng hộ Ukraine chỉ trích, khi nói rằng mục đích của chúng là buộc Moskva đưa ra yêu cầu rõ ràng về những gì họ muốn để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
“Và chắc chắn phản ứng của chúng tôi trước đề xuất hòa bình đầu tiên mà Liên bang Nga đặt lên bàn là: ‘Các ông đòi hỏi quá nhiều’. Nhưng đàm phán là như vậy”, ông Vance nói và cho biết thêm: “Tôi sẽ không nói rằng người Nga không muốn kết thúc chuyện này. Những gì tôi muốn nói là hiện tại, họ đang đưa ra một số điều kiện và yêu cầu nhượng bộ nhất định để chấm dứt xung đột. Chúng tôi cho rằng họ đang đòi hỏi quá nhiều”.
Theo USA Today, lần này, ông Vance có thái độ ôn hòa hơn so với bài phát biểu vào tháng 2 tại hội nghị thường niên của nhóm Munich, nơi ông bị các đồng minh châu Âu phản ứng dữ dội sau khi chỉ trích các quốc gia này vì bỏ qua mối quan tâm của cử tri và chống lại thông tin sai lệch bằng cách kiểm duyệt.
Trong bài phát biểu ngày 14/2 tại Munich, ông Vance nói với các quốc gia châu Âu rằng mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu không phải là Trung Quốc, Liên bang Nga hay bất kỳ thế lực bên ngoài nào.
“Điều tôi lo ngại là mối đe dọa từ bên trong – sự thoái lui của châu Âu khỏi một số giá trị căn bản nhất của chính mình”, ông Vance nói.
Nhưng tại Washington, ông Vance đưa ra thông điệp mềm mỏng hơn, nói với nhóm rằng bài phát biểu ở Munich của ông cũng nhằm chỉ trích chính quyền Biden không kém gì châu Âu.
“Không phải là châu Âu xấu, Mỹ tốt”, ông Vance nói. Thay vào đó, ông Vance cho biết cả hai bên đều đã “hơi chệch hướng” trong những năm gần đây và ông khuyến khích tất cả “cùng trở lại đúng hướng”.