Theo hãng tin AFP, ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, không ít người dân Philippines tìm đến các bài thuốc trực tuyến thay vì đến gặp bác sĩ tư vấn. Đến giai đoạn giãn cách xã hội, thông tin y tế sai lệch bùng nổ trên các diễn đàn trực tuyến, tấn công người dùng.
Trên Facebook - nền tảng thu hút 76 triệu người dùng Philippines, các bài đăng quảng bá sản phẩm về thuốc chưa được kiểm chứng được phát tán rộng rãi trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mà không hề được đơn vị phụ trách nội dung xử lý.
Thay vì được kiểm duyệt trực tiếp, các bài đăng được đưa qua bộ lọc quảng cáo tự động của Facebook trước khi xuất bản.
Để tăng tính thuyết phục cho sản phẩm, nhiều video còn bị chỉnh sửa để trông như nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia y tế. Ngoài ra, một số sản phẩm còn được các vlogger - những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội - chào hàng.
Rosanel Demasudlay, một vlogger người Philippines, đã đăng tải một đoạn video quảng cáo một loại xà phòng vệ sinh phụ nữ thu hút trên 10.000 lượt xem. Demasudlay khẳng định xà phòng “Bar Bilat” đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Philippines kiểm định nhằm điều trị các bệnh da liễu và giúp thu hẹp âm đạo.
Trên thực tế, FDA Philippines đã cảnh báo tình trạng người tiêu dùng sử dụng các loại xà phòng chưa được phép lưu hành sẽ dẫn tới một loạt các rủi ro sức khỏe từ mẩn ngứa tới suy đa tạng.
Sau vài tháng nhận quảng cáo, Demasudlay thừa nhận sử dụng xà phòng Bar Bilat khiến cô cảm thấy ngứa ngáy tới mức gãi chảy máu. Mặc dù vậy, vlogger này vẫn tiếp tục quảng cáo cho sản phẩm.
Lo ngại về sự bùng nổ các thông tin y tế sai lệch trong thời kỳ dịch COVID-19, các chuyên gia y tế Philippines đã tự đăng video nhằm cung cấp thông tin chính thống về các tình trạng bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, lợi dụng danh tiếng của các y bác sĩ, các nhà quảng cáo đã chèn hình ảnh các đoạn video này vào bài đăng nhằm tăng độ tin cậy cho các sản phẩm kém chất lượng.
Bác sĩ xương khớp Geraldine Zamora là một trong những nạn nhân của hành vi này. Trên TikTok, tài khoản của nữ bác sĩ này có hơn 60.000 người theo dõi và hàng trăm nghìn lượt xem. Hình ảnh của cô đã bị lạm dụng cho một quảng cáo thuốc viêm khớp nằm trong danh mục cảnh báo của FDA.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng hoạt động quảng cáo những sản phẩm dược liệu chưa được cấp phép đang là một vấn nạn toàn cầu và đại dịch vừa qua càng làm vấn đề này thêm trầm trọng.
Theo bà Eleanor Castillo - một chuyên gia y tế cộng đồng của Đại học Philippines, việc thiếu hụt các y bác sĩ khiến cho người dân tại quốc gia này phải tìm đến các trang mạng và dễ tiếp cận với các thông tin y tế sai lệch. Cho dù có đủ trung tâm y tế tại các vùng sâu, vùng xa thì số lượng bác sĩ sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Việc sử dụng các phương pháp trị liệu chưa được kiểm định có thể khiễn người bệnh gặp hậu quả nghiêm trọng.
Hiệu trưởng Học viện Nhãn khoa Philippines Vicente Ocampo chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân chỉ 12 tuổi đã bị mù lòa sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt mua trên mạng thay vì nhờ bác sĩ tư vấn. “Thật buồn khi mọi người sãn sàng tin vào những thần dược được quảng cáo có thể nhanh chóng chữa bách bệnh và trả một số tiền lớn cho những loại thuốc nhỏ mắt này”, ông Ocampo nói.
Theo Meta – công ty mẹ của Facebook, nền tảng này đã có quy định nghiêm cấm các quảng cáo hứa hẹn hoặc gợi ý những sản phẩm sức khỏe thiếu kiểm chứng. Facebook khẳng định việc quảng bá bán thuốc không kê đơn phải tuân thủ tất cả các luật hiện hành của địa phương.
Tuy nhiên, hàng trăm các quảng cáo sản phẩm thuốc giả vẫn xuất hiện trong danh mục quảng cáo của Facebook.
Chia sẻ với hãng tin AFP, Meta đang hợp tác với chính quyền Philippines để giải quyết các bài quảng cáo bất hợp pháp này.