Các nguồn tin EU cho biết Ủy ban châu Âu sẽ công bố bộ quy tắc cập nhật chống thông tin sai lệch vào ngày 16/6.
Deepfake là các sản phẩm công nghệ giả mạo siêu thực dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc video được tạo ra bằng kỹ thuật máy tính. Phương thức này đã gây báo động trên toàn thế giới, đặc biệt khi được sử dụng trong bối cảnh chính trị.
EU áp dụng bộ quy tắc tự nguyện vào năm 2018. Giờ đây, bộ quy tắc này sẽ trở thành một cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý và các bên ký bộ quy tắc.
Bộ quy tắc cập nhật sẽ nêu rõ thêm các ví dụ về các hành vi đánh lừa như deepfake và tài khoản giả mạo mà các bên ký phải xử lý. Bộ quy tắc cập nhật cũng sẽ liên kết với các quy định nghiêm ngặt mới của EU trong khuôn khổ Luật dịch vụ kỹ thuật số đã được các nước thành viên EU nhất trí đầu năm nay, trong đó có mục chống thông tin sai lệch.
Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ theo bộ quy tắc có thể đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của công ty.
Theo ông Thierry Breton, quan chức phụ trách chống thông tin sai lệch của EU, trong những năm qua, các mạng xã hội nổi tiếng đã cho phép các chiến lược truyền bá thông tin sai lệch và gây bất ổn lan tràn mà không bị kiểm soát, thậm chí còn kiểm tiền từ việc này.
Ông nhấn mạnh không thể tiếp tục để cho thông tin sai lệch là một nguồn thu nhập. Biện pháp ngăn chặn tốt nhất là cắt nguồn tài trợ thông tin sai lệch một cách triệt để. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội không được tiếp tục nhận dù chỉ 1 euro từ việc lan truyền thông tin sai lệch.