Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thủ đô Paris ngày 3/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro, Tổng thống Macron cảnh báo sẽ là một "vấn đề thực sự" nếu chiến dịch "Nhành Ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng Afrin của Syria "đi theo một chiều hướng khác, thay vì chống lại mối đe dọa khủng bố tiềm tàng đối với khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà trở thành một chiến dịch xâm lược".
Ông Macron cũng cho biết sẽ một lần nữa nêu vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, đồng thời khẳng định bản chất của chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với việc không chỉ cần có các cuộc thảo luận giữa các quốc gia châu Âu mà còn với các đồng minh.
Trong khi đó, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin 2 quả rocket được phóng từ Afrin đã rơi trúng 2 ngôi nhà ở thị trấn Reyhanli của Thổ Nhĩ Kỳ, làm 1 dân thường thiệt mạng và 1 người khác bị thương. Các vụ tấn công bằng rocket kiểu này thường được cho là do các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các tay súng người Kurd tại Syria tiến hành.
Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch "Nhành Ôliu" từ ngày 20/1 vừa qua nhằm đánh đuổi các tay súng thuộc lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại vùng Afrin ở biên giới. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với PKK vốn bị cấm hoạt động ở nước này.
Chiến dịch này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ do YPG là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Ngoài ra, nhiều nước cũng lo ngại chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc của Syria. Tuy nhiên, đến nay chiến dịch này tiếp tục được tăng cường với các đợt không kích ngày 30/1.
Theo thống kê của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 67 dân thường cùng 85 tay súng YPG và 81 tay súng của lực lượng nổi dậy Syria đã thiệt mạng trong chiến dịch trên. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận 7 binh sĩ của nước này thiệt mạng trong chiến dịch.