Phản ứng của các bên về cuộc đàm phán mong manh giữa Serbia và Kosovo

NATO và Mỹ cũng như EU đã đưa ra phản ứng liên quan đến cuộc đàm phán hiếm hoi giữa Serbia và Kosovo để giảm leo thang căng thẳng.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti. Ảnh: Nato.int

Theo trang tin Euronews.com, Serbia và Kosovo có kế hoạch tổ chức cuộc đàm phán cấp cao về khủng hoảng vào ngày 18/8, theo đó các nhà hòa giải của Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ làm giảm căng thẳng đang gia tăng ở khu vực Balkan.

Mặc dù vậy, hy vọng rằng cuộc gặp trực tiếp hiếm hoi giữa Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti, được tổ chức tại Brussels, có thể tạo ra một bước đột phá lớn là rất mong manh.

Phát biểu trước cuộc đàm phán, ông Vucic cho biết: “Chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận khó khăn. Chúng tôi hầu như không đồng ý về bất cứ điều gì”.

Nhưng các quan chức giám sát tình trạng bế tắc kéo dài hàng thập kỷ giữa hai bên hy vọng rằng sự kiện này ít nhất sẽ làm giảm những tuyên bố ngày càng mang tính kích động chiến tranh đến từ cả hai phía.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu về các vấn đề đối ngoại Nabila Massrali nói với các phóng viên: “Tất cả các vấn đề mở sẽ được giải quyết và cần được giải quyết thông qua đối thoại do EU tạo điều kiện. Cả hai bên phải chấm dứt sự thù địch của họ tại thời điểm này và hành động có trách nhiệm”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người đã gặp riêng ông Vucic và ông Kurti tại Brussels hôm 17/8, cho biết quân đội do NATO dẫn đầu đóng tại Kosovo đã tăng cường sự hiện diện của họ ở biên giới phía Bắc của Kosovo với Serbia vì căng thẳng hiện nay.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ chỉ hành động khi cần thiết và sẽ hành động theo cách tương xứng vì mục đích chính của chúng tôi là giúp giảm căng thẳng và đảm bảo tất cả các cộng đồng được tự do đi lại, vì sự an toàn của tất cả các mọi người", ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg kêu gọi "tất cả các bên tham gia tích cực và mang tính xây dựng trong vòng đàm phán mới nhất do EU làm trung gian".

Về phần mình, người Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết thành công của các cuộc đàm phán tại Brussels "là một ưu tiên hàng đầu" đối với Washington.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc đối thoại này. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là cả hai bên sử dụng cơ hội này để thúc đẩy các cuộc thảo luận của họ về bình thường hóa”, ông Price nêu rõ.

Căng thẳng mới nhất giữa Serbia và Kosovo tăng vọt vào cuối tháng trước khi Chính quyền của ông Kurti tuyên bố rằng giấy tờ tùy thân và biển số xe của Serbia sẽ không còn giá trị trên lãnh thổ Kosovo.

Dưới áp lực từ phương Tây, ông Kurti đã hoãn việc thực hiện biện pháp này trong một tháng, đến ngày 1/9 tới. 

Công Thuận/Báo Tin tức
EU bất ngờ 'cứng rắn' trong căng thẳng Kosovo - Serbia
EU bất ngờ 'cứng rắn' trong căng thẳng Kosovo - Serbia

Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/8 đã sử dụng ngôn từ cứng rắn bất thường để cảnh báo leo thang giữa Kosovo và Serbia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN