'Phá sản' mục tiêu tiêm ngừa COVID-19, Mỹ tính học cách làm của Anh

Cách tiếp cận của Anh về tiêm chủng vaccine COVID-19 đang nhận được sự chú ý từ Mỹ, nước bị đánh giá là chậm trễ trong tiêm ngừa vaccine cho dân chúng vì những lúng túng trong khâu hậu cần.

Chú thích ảnh
Tiêm phòng vaccine của Pfizer/BioNTech cho nhân viên y tế tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nỗ lực đẩy số người được tiêm chủng lên mức nhiều nhất ở mức có thể, giới chức Anh đã quyết định lùi mũi tiêm thứ hai, để dồn vaccine cho mũi thứ nhất, giúp mở rộng đối tượng được tiêm chủng. Công tác tiêm phòng giờ đây sẽ ưu tiên tiêm ngừa mũi thứ nhất và lùi thời hạn tiêm mũi thứ 2 xuống ba tháng sau đó.

“Mọi người sẽ vẫn nhận đủ hai liều tiêm, chỉ có điều là khoảng cách giữa hai mũi là 12 tuần. Mũi thứ hai sẽ hoàn tất liệu trình và là mũi quan trọng có tác dụng bảo vệ lâu dài”, thông báo của chính phủ Anh nêu rõ. 

Trong khi đó, hai vaccine Pfizer và Moderna đang được sử dụng tại Mỹ cũng theo nguyên lý tiêm hai liều, nhưng cách nhau chỉ 4 tuần. Theo kế hoạch phân phối hiện tại, chương trình “Vaccine thần tốc” (Operation Warp Speed - chuyên về phân phố vaccine liên bang) sẽ chỉ cung cấp một nửa số vaccine theo nhu cầu cho các bang hàng tuần. Nửa còn lại được giữ trong kho, để bảo đảm có đủ nguồn cung cho mũi tiêm thứ hai. 

Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng Mỹ tiến triển chậm, mới chỉ có 2,8 triệu người được tiêm đến hết ngày 31/12 (kế hoạch đề ra là 20 triệu), trong khi số người tử vong vì COVID-19 lên đến 3.000 ca/ngày, nhiều người đã đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền lại không áp dụng cách làm của Anh, để sử dụng hết số vaccine hiện có tiêm ngừa cho dân chúng. 

“Tại sao chúng ta lại không tiêm ngừa cho nhiều người nhất có thể, với chỉ một mũi đầu tiên và vẫn sẽ tiêm đủ mũi thứ hai, nhưng lùi mốc thời gian lại. Có cảm giác là chúng ta thiếu sáng tạo trong việc tính toán cách thức hiệu quả nhất để bảo vệ người dân thay vì cách hiệu quả nhất để bảo vệ một cá nhân. Với tôi, tôi đánh giá đó đó là lỗi cơ bản”, ông Christopher Gill, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học Y tế Công thuộc Đại học Boston nêu quan điểm. 

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng ngày 31/12 cho biết, ý tưởng ưu tiên tiêm hết vaccine cho người dân ở mũi thứ nhất đang được giới chức y tế Mỹ thảo luận kĩ lưỡng.

Ông cho rằng, nếu thực hiện đúng cách, vẫn có thể thực hiện theo phương án cũ là tiêm liều thứ nhất, dữ trữ vaccine cho liều tiêm thứ hai và vẫn hoàn tất chương trình tiêm chủng. Nhưng nhiều người cũng đang thiên về cách làm kiểu người Anh, để càng nhiều người được tiêm ngừa mũi thứ nhất càng tốt. 

Chính quyền Tổng thống Trump từng đề ra mục tiêu tiềm chủng cho 20 triệu người Mỹ đến cuối năm 2020. Nhưng theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, đến ngày 31/12/2020, mới chỉ có khoảng 2,8 triệu người được tiêm ngừa COVID-19. Số vaccine được chuyển tới các bang trên nước Mỹ cũng mới chỉ đạt 13 triệu liều. 

Tuy nhiên, ý tưởng lùi thời gian tiêm mũi thứ 2 để dồn sức cho liều thứ nhất trên diện rộng cũng gặp phải phản đối từ chính các chuyên gia Mỹ. Cách làm này tiềm ẩn nguy cơ về nguồn cung. Nếu không giữ lại 50% nguồn cung cho liều thứ hai, các công ty sẽ phải bảo đảm chắc chắn được nguồn cung sản lượng, cùng với đó là việc phân phối đúng lúc, kịp thời với vaccine liều hai. 

Bên cạnh đó, các thử nghiệm lâm sàng hiện cũng chưa làm rõ được điều gì sẽ xảy ra nếu lùi thời hạn hai liều tiêm sau hơn 4 tuần, hay khả năng miễn dịch mà vaccine tạo ra với chỉ một liều tiêm ra sao. Moncef Slaoui, Giám đốc phụ trách chiến dịch “Operation Warp Speed” ngày 31/12 khẳng định, điều quan trọng nhất trong sử dụng vaccine là phải dựa vào những dữ liệu chắc chắn, đã được chứng minh. Điều mà ông lo ngại nhất là việc kéo dài thời hạn tiêm giữa hai mũi có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (politico)
BioNTech cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine phòng COVID-19
BioNTech cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine phòng COVID-19

Ban lãnh đạo hãng dược phẩm BioNTech của Đức cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho đến khi các loại vaccine khác được lưu hành trên thị trường, do đó hãng này đang nỗ lực hợp tác với đối tác Pfizer của Mỹ để thúc đẩy sản xuất vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN