Tuyên bố của PLO trên trang mạng của tổ chức này nhấn mạnh Palestine sẽ không tham gia hội nghị tại Manama (Bahrain) do Mỹ tổ chức và đây là quan điểm nhất quán của Palestine, từ Tổng thống Mahmud Abbas và Ủy ban Điều hành PLO tới tất cả các phong trào, tổ chức chính trị, xã hội dân sự của Palestine.
Trước đó, ngày 19/5, Nhà Trắng thông báo sẽ đồng tổ chức hội nghị trong 2 ngày (25 - 26/6) tại Manama tập trung vào vấn đề kinh tế trong kế hoạch hòa bình Israel-Palestine vốn bị trì hoãn rất lâu của Tổng thống Donald Trump.
Trước khi đưa ra quyết định chính thức, phía Palestine cho biết không được thông báo về sự kiện trên, song đã để ngỏ khả năng không tham gia hội nghị này. Một số doanh nhân nổi tiếng Palestine cho hay đã từ chối lời mời hội nghị tại Bahrain.
Dự kiến, kế hoạch hòa bình Israel -Palestine của Tổng thống Trump sẽ được công bố sớm nhất vào tháng 6 tới. Chính quyền Palestine đã tẩy chay mọi động thái thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông của Chính phủ Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12/2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, sau đó chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến thành phố này.
Liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Mã Triều Húc cùng ngày đã kêu gọi sự tôn trọng đối với giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel.
Phát biểu trước Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ, ông Mã Triều Húc nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hoạt động dựa trên Sáng kiến hòa bình Arab và các nghị quyết của HĐBA có liên quan, nhằm giải quyết nguyện vọng của Palestine về việc thành lập Nhà nước Palestine đầy đủ chủ quyền với thủ đô là Đông Jerusalem.
Ông Mã Triều Húc khẳng định mọi sáng kiến cần phải tuân thủ với quy tắc quốc tế nêu trên và chỉ thực hiện điều này mới có thể tiến tới giải pháp công bằng và lâu dài, được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.
Đại diện thường trực của Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết thực thi Nghị quyết 2334 của HĐBA, trong đó bày tỏ quan ngại về các khu định cư của Israel xây dựng trái phép trên các vùng lãnh thổ của Palestine.
Cùng ngày, Cố vấn Mỹ Jason Greenblatt đã kêu gọi giải tán cơ quan của LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA). Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tuyên bố này được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Mỹ công bố những triển vọng kinh tế trong kế hoạch hòa bình Trung Đông.
Phát biểu trước HĐBA LHQ, ông Greenblatt cho rằng đã đến lúc phải chuyển giao các dịch vụ được LHQ bảo trợ cho các quốc gia tiếp nhận người tị nạn Palestine và các tổ chức phi chính phủ, và “mô hình UNRWA đã không có đủ năng lực phục vụ người Palestine”.
Năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cắt hết các nguồn cung cấp tài chính cho UNRWA, cho rằng cơ quan này không hoạt động hiệu quả, nhất là khi Washington đang khẩn trương xây dựng các đề xuất nhằm tìm ra một giải pháp dành cho vấn đề Israel và Palestine.
Theo UNRWA, cơ quan này cần thêm 60 triệu USD vào tháng 6 tới để đảm bảo cung cấp thực phẩm cho hơn 1 triệu người tị nạn Palestine ở Gaza, bao gồm 620.000 người nghèo cùng cực, là những người không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm cơ bản và đang tồn tại với mức khoảng 1,6 USD mỗi ngày. Các khoản tiền trên cũng cần thiết để chi trả cho 390.000 người nghèo đói khác, là những người đang duy trì cuộc sống với mức khoảng 3,5 USD mỗi ngày.