Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Etienne nhấn mạnh rằng chỉ biện pháp tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 không đủ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm hiện nay trong khu vực, vì không có đủ vaccine để bảo vệ tất cả mọi người ở những nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Do đó, người đứng đầu PAHO kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm như sử dụng khẩu trang và tuân thủ khuyến cáo giãn cách xã hội, đồng thời cảnh báo việc các nước nới lỏng các biện pháp đã áp dụng trong nhiều tháng qua có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bà Etienne chỉ rõ hiện Nam Mỹ đang trở thành tâm điểm của dịch bệnh với số ca mắc COVID-19 mới tăng cao tại Brazil, Colombia, Venezuela, Peru, Argentina, Chile, Paraguay và Uruguay. Chính vì vậy, các nước cần phải có một chiến lược toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Tổng thư ký Luis Almagro kêu gọi các nước Mỹ Latinh tăng cường đoàn kết nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận các loại vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông Almagro nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận các loại vaccine ngừa bệnh phải được coi là ưu tiên hàng đầu.
Mỹ là quốc gia có nhiều ca bệnh nhất trên thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil. Tuy nhiên trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ bệnh dịch còn có Argentina, Colombia, Mexico, Peru, Bolivia, Chile, Paraguay và Uruguay.
Cho đến nay, các nước châu Mỹ đã triển khai tiêm chủng hơn 247 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của Tổ chức y tế thế giới (WHO), PAHO đã phân phối gần 3 triệu liều vaccine tại 28 quốc gia trong khu vực. Chỉ có Haiti và Venezuela cho đến nay là những quốc gia duy nhất Mỹ Latinh và Caribe chưa nhận được vaccine từ cơ chế này.