Ngoài ra, Cuba có thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 421 trường hợp.
Giám đốc phụ trách Cơ quan vệ sinh và dịch tễ học quốc gia thuộc của Bộ Y tế Công cộng Cuba Francisco Duran nhận định: “Các số liệu này cho thấy diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, vì tốc độ lây lan khá nhanh ở phần lớn đất nước". Ngày 30/3 thủ đô La Habana ghi nhận 558 ca mắc mới với tỷ lệ mắc bệnh là 314,6 trên 100.000 dân - cao nhất trong toàn quốc.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giới chức Cuba tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế xã hội ở La Habana, bao gồm hạn chế hoạt động đi lại ban đêm, phạt nặng người không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách.
Làn sóng mới của dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 1 vừa qua khiến Chính phủ Cuba phải một lần nữa ban bố các biện pháp phòng dịch như đình chỉ năm học và đóng cửa các địa điểm công cộng trên khắp đất nước.
Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này ghi nhận 3.780 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua - con số thống kê theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại Brazil vào ngày 26/2/2020. Như vậy, tại Brazil đã có 317.646 người không qua khỏi đại dịch, trong tổng số 12.658.109 ca mắc bệnh (bao gồm 84.494 ca mắc mới ghi nhận ngày 30/3).
Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai trên toàn thế giới sau Mỹ, xét về cả số ca mắc và số ca tử vong.
Tính đến ngày 29/3, Brazil đã triển khai tiêm phòng COVID-19 cho hơn 21 triệu người. Trong số đó, 16,2 triệu người (tương đương 7,68% dân số) đã được tiêm liều đầu tiên và 4,81 triệu người (khoảng 2,28% dân số) đã được tiêm đủ hai liều.
Bộ Y tế Chile cũng thông báo ngày 30/3 nước này ghi nhận thêm 5.394 trường hợp mắc mới COVID-19 và 37 ca tử vong, theo đó nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 989.492 trường hợp và 23.107 trường hợp tử vong.
Theo Bộ trưởng Y tế Enrique Paris, các trường hợp mắc COVID-19 đã tăng 31% trên toàn quốc trong 14 ngày qua, gây sức ép lớn đối với các bệnh viện tại Chile. Chiến dịch tiêm chủng đại trà ngừa bệnh COVID-19 đang được gấp rút triển khai ở quốc gia Nam Mỹ này, với 6.534.522 người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.