Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thống Colombia Ivan Duque nhận định: "Hôm nay là một ngày đặc biệt quan trọng". Lô vaccine đầu tiên của COVAX cho Colombia gồm 117.000 liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech sản xuất.
Theo Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), với hơn 50 triệu người nhiễm và hơn 1,2 triệu ca tử vong, các nước châu Mỹ đang chứng kiến tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Khu vực này cần miễn dịch cho khoảng 700 triệu người để kiểm soát đại dịch. Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết: "Trong bối cảnh vaccine vẫn rất thiếu, PAHO sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực lớn của các nước trong khu vực nhằm có nhiều vaccine trong thời gian sớm nhất". PAHO là một trong các bên tham gia cơ chế COVAX, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh vaccine toàn cầu (Gavi), Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều công ty sản xuất vaccine...
Trong phát biểu của mình, Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết: "Lô vaccine trên đồng nghĩa với việc có thêm nhiều nhân viên y tế và người có nguy cơ cao được tiêm phòng". Ông khẳng định đại dịch chỉ có thể chấm dứt nếu vaccine được phân phối một cách công bằng, đồng thời bày tỏ rất vui mừng khi thấy những liều vaccine được chuyển tới Nam Mỹ và nhiều khu vực khác trong tuần này thông qua COVAX.
Colombia là nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai Mỹ Latinh, sau Brazil. Nước này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ cách đây 2 tuần và hiện đã tiêm cho 130.000 người, hầu hết là nhân viên y tế. Các nước khác trong khu vực như Peru, Al Salvador và Bolivia cũng dự định sẽ sớm nhận được vaccine từ COVAX. Số người tiếp cận với vaccine thông qua COVAX sẽ tiếp tục tăng mạnh theo từng tháng và khoảng 280 triệu liều sẽ đến châu Mỹ và vùng Caribea vào cuối năm 2021.
Trong một diễn biến liên quan, Chile có kế hoạch tăng mua vaccine của hãng Sinovac và hy vọng ký thỏa thuận với hãng Johnson&Johnson. Hiện nước này đã tiêm phòng cho 3,35 triệu người trong số 19 triệu dân.