Cụ thể, dầu thô Brent đã tăng 3,26 USD/thùng lên mức 63,32 USD. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ đã tăng 2,62 USD lên mức 54,11 USD/ thùng, trước khi giảm xuống còn 53,9 USD.
Trước đó một ngày, giá dầu đã giảm gần 3% sau khi các thành viên OPEC “miễn cưỡng” nhất trí cắt giảm sản lượng dầu trong một động thái nhằm bình ổn thị trường và ngăn chặn sự rớt giá của loại “vàng đen” này. Các cuộc đàm phán với các đối tác ngoài OPEC đã diễn ra trong ngày 7/12.
Giá dầu đã lao dốc tới 30% kể từ tháng 10 vừa qua, do nguồn cung tăng mạnh và nhu cầu thế giới suy yếu. Trong bối cảnh giá dầu thô tuột dốc trên các thị trường quốc tế, ngày 1/12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Saudi Arabia đã nhất trí làm mới hiệp ước về cắt giảm sản lượng dầu.
Iran mới đây cũng đã quyết định "bật đèn xanh" cho việc giảm sản lượng dầu vào khoảng 800.000 thùng/ngày từ năm 2019, sau khi đạt được thỏa thuận với Saudi Arabia về khả năng miễn trừ khỏi việc cắt giảm sản lượng.
Nguồn tin từ Bộ Năng lượng Nga cho biết Moskva sẵn sàng cắt giảm khoảng 200.000 thùng/ngày, trong khi các nước ngoài OPEC có thể giảm thêm 200.000 thùng/ngày, nâng tổng số sản lượng bị cắt giảm lên tới 1,2 triệu thùng/ngày.
Theo giới quan sát, quyết định trên của OPEC và các đối tác không nằm ngoài dự đoán trước đó và có thể được coi là thành công của hội nghị diễn ra ở Vienna (Áo) sau khi Qatar tuyên bố rời khỏi tổ chức này.
Kể từ cuối năm 2017, sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới gồm OPEC, Nga và Mỹ hiện đã tăng 3,3 triệu thùng lên 56,38 triệu thùng/ngày, đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng của thế giới.