Ông Obama với sứ mệnh “thuyết khách” tại châu Âu

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du tới bốn nước Hà Lan, Bỉ, Italy và Saudi Arabia trong tuần này, với chương trình nghị sự tập trung vào điểm nóng Ukraine.


Tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh


Trong ngày 24/3, Tổng thống Obama đã tới La Haye (Hà Lan) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân. Sau đó hai ngày, ông sẽ tới Brussels (Bỉ) để thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, chương trình nghị sự bao trùm của ông Obama sẽ là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, với ưu tiên hàng đầu là tạo lập cho được một mặt trận thống nhất giữa hai bờ Đại Tây Dương trong thi hành đối sách với Nga.

 

Ông Obama và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte họp báo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Phía sau hai ông là kiệt tác “Tuần tra đêm” của danh họa Hà Lan, Rembrandt. Ảnh:AFP/TTXVN


Tại La Haye, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) đã quyết định triệu tập một cuộc họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đây được xem là dịp để Mỹ hối thúc các đồng minh châu Âu “quyết liệt” hơn nữa trong việc gây sức ép, cô lập Nga. Phát biểu trước thềm chuyến thăm của ông Obama, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết: Washington dành ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao, hạ nhiệt căng thẳng và trợ giúp kinh tế đối với Ukraine, nhưng vẫn tiếp tục có các biện pháp “gây thiệt hại” cho Moskva để “thế giới sẽ được thấy Nga bị cô lập gia tăng như thế nào”.


Tại Brussels, ông Obama sẽ có cuộc gặp với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen, thảo luận tầm quan trọng của liên minh này. Đặc biệt, ông chủ Nhà Trắng sẽ có bài phát biểu về cuộc khủng hoảng ở Ukraine tại trụ sở NATO nhằm “tái khẳng định sự cần thiết duy trì cam kết về một liên minh xuyên Đại Tây Dương vững chắc” - như lời phát biểu của Phó Cố vấn an ninh Quốc gia Ben Rhodes.
Tuy nhiên, nhiệm vụ “thuyết khách” lần này của ông Obama được xem là không hề đơn giản do những ràng buộc giữa châu Âu và Nga. Ông Jeffrey Mankoff, chuyên gia phân tích người Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhìn nhận, “châu Âu cam kết sẽ làm điều gì đó. Nhưng thực khó để thuyết phục họ đi tới tận cùng những gì mà Mỹ mong muốn”.

 

Nga nỗ lực ổn định tình hình ở Crimea


Chính phủ Nga ngày 24/3 tiến hành phiên họp đặc biệt dưới sự chủ trì của Thủ tướng Dmitry Medvedev để thảo luận các biện pháp cấp bách hỗ trợ kinh tế - xã hội cho bán đảo Crimea (Crưm) và thành phố Sevastopol.


Theo ông Medvedev, Tổng thống Putin đã yêu cầu chính phủ trước hạn chót ngày 29/3 phải thiết lập xong các tổ chức khu vực của chính quyền liên bang ở Crimea và Sevastopol. Ông Putin đồng thời chỉ thị Bộ Lao động và Bảo vệ xã hội trong thời gian sớm nhất tăng lương hưu cho người dân Crimea bằng mức áp dụng ở Nga. Điện Kremlin cũng đã quyết định sớm xây dựng cầu Kerch nối bán đảo Crimea với miền nam nước Nga theo hai phương án đường bộ và đường sắt. Cũng trong ngày 24/3, chính quyền Crimea chính thức đưa đồng ruble lưu thông tại vùng lãnh thổ này.


Động thái trên của Nga diễn ra trong bối cảnh Ukraine quyết định giảm 50% sản lượng điện cung cấp cho Crimea. Phó Thủ tướng thứ nhất Crimea Rustam Temirgaliev cho biết, gần 30% lãnh thổ Crimea bị mất điện, nhưng tình hình không quá lo ngại. Crimea đã chuẩn bị 900 trạm phát điện diesel, tích cực vận hành để đảm bảo cung cấp điện cho các bệnh viện, các cơ quan công quyền, duy trì hoạt động ổn định cho các trạm bơm nước.


Ngày 24/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã có mặt tại Crimea trong chuyến đi kiểm tra các cơ sở quân sự tại bán đảo. Ông là quan chức cấp cao Nga đầu tiên tới Crimea kể từ khi bán đảo ở Biển Đen sáp nhập vào Nga. Ông Shoigu đã trực tiếp gặp các cựu binh Ukraine xin gia nhập lực lượng vũ trang Crimea và đảm bảo họ có thể được phục vụ tại bất cứ đâu ở Nga và hưởng quyền lợi như các quân nhân Nga khác.

 

Hoài Thanh

Mỹ lo ngại 'kịch bản' Crimea lặp lại tại Moldova
Mỹ lo ngại 'kịch bản' Crimea lặp lại tại Moldova

Mỹ đang lo ngại "kịch bản" Crimea có thể lặp lại tại khu vực Pridnestrovie, vùng đất thuộc Moldova nhưng có đông người Nga sinh sống và đòi tách ra độc lập từ hàng thập kỷ nay. Trong khi đó Romania cũng lên tiếng yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) nên rút kinh nghiệm và chớ để vuột mất Moldova

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN