Nóng trong tuần: Leo thang mới trong xung đột Nga-Ukraine; tình hình bán đảo Triều Tiên lại 'nóng lên'

Tuần qua, thế giới nổi nên nhiều sự kiện đáng chú ý, đặc biệt là việc Nga, Ukraine sử dụng UAV tấn công vào sâu trong lãnh thổ của nhau, việc Triều Tiên phóng vệ tinh quân sự. Ngoài ra, Đối thoại Shangri-La 2023 và thảm họa đường sắt tại Ấn Độ cũng là những vấn đề được dư luận quan tâm.

Chú thích ảnh
Một phần của chiếc UAV mà Ukraine tuyên bố bắn hạ trong các cuộc tấn công của Nga. Ảnh: Reuters

Bước leo thang mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

Đêm 28/5, thủ đô Kiev của Ukraine hứng chịu đợt tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất kể từ khi xung đột với Nga nổ ra với số lượng máy bay không người lái cảm tử kỷ lục, lên tới 54 chiếc. Đây là vụ tấn công gây thương vong nặng đầu tiên nhằm vào Kiev trong tháng 5 và được tiếp nối bởi 3 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau đó, cũng gây nhiều thương vong.

Ngay sau đó, thủ đô Moskva của Nga ngày 30/5 cũng bị máy bay không người lái tấn công, làm hư hỏng một số tòa nhà. Đây là vụ tấn công bằng máy bay không người lái thứ 2 nhằm vào Moskva. Hồi đầu tháng 5, hai máy bay không người lái đã tấn công Điện Kremlin nhưng không thành công. 

Các hành động tấn công vào sâu trong lãnh thổ của nhau là bước leo thang nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vào đầu tháng 12 năm ngoái, máy bay không người lái được cho là của Ukraine đã tấn công máy bay tại căn cứ không quân Engels, cách biên giới với Ukraine hàng trăm ki lô mét. Nhưng gần đây, phía Ukraine mới triển khai làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái cùng lúc nhằm vào nhiều mục tiêu ở Nga, trong đó có vụ việc nêu trên và kéo theo sự trả đũa từ Moskva. 

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới ghi nhận cho thấy dấu hiệu mở rộng chiến trường đã xuất hiện, khiến tương lai hoà bình cho Ukraine càng xa vời.

Tình hình bán đảo Triều Tiên lại nóng lên

Ngày 31/5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới "Chollima-1" vào sáng 31/5 theo kế hoạch đã định. 

Chú thích ảnh
Triều Tiên phóng tên lửa. Ảnh: KCNA/Reuters

Mặc dù vụ phóng tên lửa thất bại, nhưng đã gây ra cảnh báo khẩn cấp ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Cảnh báo của Nhật Bản nêu rõ: “Hãy tìm nơi trú ẩn kiên cố trong các tòa nhà hoặc dưới hầm ngầm. Báo động được áp dụng cho khu vực Okinawa”, trong khi chính quyền thủ đô Seoul phải cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán.

Sau vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết một nhà ngoại giao cấp cao của nước này đã gọi vụ phóng vệ tinh gần đây của Triều Tiên là một sự việc nghiêm trọng mà Bình Nhưỡng đã lợi dụng công nghệ để vi phạm các quy tắc toàn cầu và làm xói mòn trật tự quốc tế.

Về phần mình, bà Kim Yo-jong, Phó Trưởng ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cho biết nếu vụ phóng của Bình Nhưỡng bị chỉ trích, thì Mỹ và tất cả các quốc gia “đã từng phóng hàng nghìn vệ tinh” cũng cần phải bị lên án. 

Bà Kim Yo-jong khẳng định Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng lại vệ tinh trinh sát quân sự vào quỹ đạo không gian một cách chính xác, sau vụ phóng thất bại vừa qua.

Đối thoại Shangri-La bị phủ bóng bởi căng thẳng Mỹ-Trung và xung đột Ukraine

Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 - Diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á đã diễn ra tại Singapore, với sự tham dự của các quan chức quân đội cấp cao, nhà ngoại giao, nhà sản xuất vũ khí và nhà phân tích an ninh từ khắp nơi trên thế giới.

Chú thích ảnh
Một góc tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters

Diễn ra trong 3 ngày từ 2-4/6, Đối thoại an ninh quốc phòng năm nay bị phủ bóng bởi những lo ngại về cạnh tranh, đối đầu Mỹ-Trung và xung đột tại Ukraine, tiềm ẩn tạo ra những thách thức lớn đối với môi trường an ninh khu vực. Phát biểu dẫn đề tối 2/6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese kêu gọi các cường quốc cần tránh “đóng băng ngoại giao” và các nước cần phải làm tất cả có thể để thiết lập “những hàng rào bảo vệ” ngăn chặn quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn.

Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 như một nền tảng cho hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu khu vực và thế giới. Hội nghị bao gồm các bài phát biểu, tranh luận và các cuộc trao đổi riêng liên quan đến an ninh giữa các đại biểu cấp cao. Trong những năm qua, Diễn đàn này đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để các bên trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.            
     
Thảm họa đường sắt tại Ấn Độ

Vụ va chạm giữa 2 đoàn tàu ngày 2/6, khiến gần 300 người thiệt mạng và hơn 900 người khác bị thương, là tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất trong 2 thập kỷ tại Ấn Độ.

Vụ việc xảy ra khi tàu Coromandel Express đi từ Kolkata ở bang Tây Bengal tới Chennai ở bang Tamil Nadu, đang chạy với tốc độ 130 km/h thì va chạm với một đoàn tàu chở hàng đang đứng yên vào lúc 7h tối ngày 2/6, khiến nó trật bánh.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ đang tiến hành tìm kiếm nạn nhân trong vụ tai nạn tàu hỏa ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Các toa của đoàn tàu chở hàng sau đó đâm vào hai toa của đoàn tàu tốc hành Howrah đang đi ngược chiều, dẫn đến tai nạn chết người. Phó Giám đốc thương mại của công ty đường sắt South Eastern, Rajesh Kumar cho biết, tàu Coromandel Express đã đổi đường ray, dẫn đến vụ tai nạn và nguyên nhân vụ việc sẽ được điều tra.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết đã huy động mọi sự hỗ trợ để trợ giúp những người bị ảnh hưởng. Ông Modi cũng đã chủ trì một cuộc họp cấp cao về tai nạn trên và dự kiến tới hiện trường vụ việc vào cuối ngày 3/6.

Theo Chánh văn phòng bang Odisha Pradeep Jena, số người thiệt mạng trong vụ đâm tàu ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ dự kiến còn tăng cao khi có thêm nhiều thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát và các toa tàu bị lật. Hơn 200 xe cứu thương đã được gọi tới hiện trường và thêm 100 bác sĩ đã được huy động. Khoảng 850 người được đưa tới bệnh viện.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Nóng trong tuần: Mỹ lùi thời hạn vỡ nợ; Nga nêu điều kiện đàm phán với Ukraine
Nóng trong tuần: Mỹ lùi thời hạn vỡ nợ; Nga nêu điều kiện đàm phán với Ukraine

Mỹ lùi hạn chót vỡ nợ tạo thêm cơ hội đạt được thoả thuận về trần nợ; Nga nêu điều kiện cho đàm phán hoà bình với Ukraine; Mỹ-Hàn tập trận quy mô lớn và quan ngại về tình hình dân thường tại vùng xung đột là những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN