Nóng trong tuần: Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản; châu Á đối mặt với nắng nóng kỷ lục

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản; Nga rút khỏi Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE); Moskva tiếp tục gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và châu Á đối mặt với nắng nóng kỷ lục là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản

Chú thích ảnh
Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ ngày 19 đến 21/5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần thứ 49 diễn ra tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển chung.

Trong ngày khai mạc hội nghị 19/5, Thủ tướng Fumio Kishida đã tuyên bố rằng thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng lớn, làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế. Chính vì vậy, mục tiêu của hội nghị lần này là củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy định của pháp luật, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của G7 trong việc bảo vệ trật tự này, đồng thời phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, phản đối việc sử dụng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng.

Hội nghị đã ra tuyên bố chung về Ukraine. Theo đó, các nhà lãnh đạo G7 cho biết sẽ tiếp tục thực hiện cam kết cung cấp viện trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao theo đề nghị của Ukraine cho tới khi nào còn cần thiết, đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuyên bố cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.

Tại ngày họp thứ 2, lãnh đạo nhóm G7 đã ra tuyên bố khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển, vốn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư và nợ nước ngoài.

G7 nhấn mạnh tính cấp thiết của việc củng cố chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu công nghiệp -  như chất bán dẫn, và thực hiện các biện pháp cần thiết để chống lại các hạn chế thương mại đơn phương. G7 kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ nguyên tắc “minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, uy tín và đáng tin cậy” trong việc xây dựng các mạng lưới chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo các nước G7 cũng nhất trí thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, một phần chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Đáng chú ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới thành phố Hiroshima để tham dự 2 cuộc họp của hội nghị trong ngày 20/5.  Đăng trên Twitter, Tổng thống Ukraine nhận định hội nghị thượng đỉnh G7 mang hòa bình tới gần hơn khi tới Nhật Bản dự sự kiện.

Chính quyền Nhật Bản cho biết quyết định tới Hiroshima của Tổng thống Zelensky xuất phát từ “mong muốn mạnh mẽ” của ông là tham gia vào các cuộc thảo luận có ảnh hưởng lớn đến Ukraine.

Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Zelensky tới châu Á kể từ khi xung đột nổ ra, đồng thời cho phép ông gặp gỡ các đồng minh quan trọng như Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo của các nước có tầm ảnh hưởng tham gia phong trào không liên kết như Brazil và Ấn Độ.

Nga rút khỏi Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE)

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày 15/5, Nga tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, Hiệp ước CFE đã đi ngược lại với những lợi ích an ninh của Nga trong bối cảnh diễn biến thế giới hiện nay. Hiệp ước CFE đã gặp vấn đề trong nhiều năm, do đó việc Nga rút khỏi hiệp ước này không thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông Ryabkov cho biết thêm tình hình hiện tại cũng không thuận lợi để đưa ra những ý tưởng mới cho một giải pháp thay thế cho hiệp ước CFE. Ông nói rằng thế giới trong thời gian tới sẽ hoàn toàn khác so với thế giới những năm 1990 hoặc 1999, và điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới, trong đó có cả vấn đề kiểm soát vũ khí.

Hiệp ước CFE được ký giữa 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Warsaw vào năm 1990 tại Paris nhằm giảm căng thẳng giữa 2 khối. CFE quy định giới hạn trong việc triển khai các lực lượng vũ trang thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập các cơ chế để kiểm tra.

Nga từ lâu đã lập luận rằng việc NATO mở rộng thành viên (bao gồm các thành viên cũ của Tổ chức Hiệp ước Warsaw) đang phá hoại CFE. Năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE với lý do các thành viên mới của NATO không tuân thủ các giới hạn được quy định trong hiệp ước nhưng vẫn tham gia các cuộc họp của nhóm cố vấn chung. Năm 2015, Moskva đã rút hoàn toàn khỏi các cơ chế CFE vì “không có nhu cầu tiếp tục tham gia” và chỉ tham gia theo nghĩa hình thức cho đến nay.

Sau khi rút khỏi CFE, Nga sẽ không chịu sự ràng buộc về giới hạn nào đối với các loại vũ khí thông thường, cho phép Nga gia tăng sức mạnh quân sự ở biên giới. Tuy nhiên, phía Nga tuyên bố dù từ bỏ Hiệp ước CFE, nhưng sẽ không loại bỏ vấn đề kiểm soát vũ khí khỏi chương trình nghị sự.

Giới chuyên gia nhận định, trong tương lai, có thể sẽ có những hiệp ước kiểm soát vũ khí ở châu Âu khác, song điều này chỉ có thể diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự hiện tại giữa Nga và phương Tây kết thúc.

Nga tiếp tục gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Chú thích ảnh
Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ra khu vực biển Marmara, ngày 2/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn thêm 2 tháng nhằm hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn.

“Đây là cơ hội giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động, trước hết là giúp đỡ các quốc gia cần nó nhất”, bà Zakharova tuyên bố, song khẳng định đánh giá chung của Nga về tình hình liên quan đến thỏa thuận này vẫn không đổi.

Nga và Ukraine vốn là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới vào cảnh thiếu lương thực.

Nga và Ukraine đã ký kết Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen riêng rẽ hồi tháng 7/2022, với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Trong đó, đại diện Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của nước này ra thị trường thế giới, trong khi phái đoàn Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Sáng kiến này được gia hạn 120 ngày lần đầu vào tháng 11/2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày, cho đến ngày 18/5/2023. Thỏa thuận cần phải được gia hạn tiếp sau ngày 18/5/2023.

Động thái mới nhất của Nga đã nhận được sự hoan nghênh của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Song ông Guterres cũng lưu ý rằng vẫn còn những vấn đề tồn tại mà Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc sẽ cần tiếp tục thảo luận.

Châu Á đối mặt với nắng nóng kỷ lục

Chú thích ảnh
 Người dân dùng ô che nắng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuần qua, hiện tượng nắng nóng đã bao trùm nhiều nước ở khu vực châu Á.

Từ ngày 15/5, nắng nóng gay gắt đã bao trùm nhiều thành phố ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh. Đây là đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay và ở một số nơi khiến giới chức khu vực phải ban hành cảnh báo nắng nóng ở mức màu cam.

Tình trạng nắng nóng cũng đang kéo dài ở các nước như Malaysia, Singapore, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam.

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 17/5 đã công bố báo cáo cảnh báo về hiện tượng tự nhiên El Nino và khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể trở thành nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn 2023 - 2027. Theo phân tích của WMO, nhiệt độ gần bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm trong giai đoạn 2023 - 2027 được dự đoán là cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,8 độ C so với mức trung bình của giai đoạn những năm 1850-1900.

Thực tế, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 đã cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Trong khi đó, 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận thuộc giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022, với năm 2016 là năm nóng nhất (thời điểm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,3 độ C).

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt ra các mục tiêu dài hạn để hướng dẫn tất cả các quốc gia giảm đáng kể lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức 2 độ C, đồng thời theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng hơn 1,5 độ C, để tránh hoặc giảm các tác động bất lợi đối với đời sống con người.

Hải Vân/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Hội nghị thượng đỉnh G7 ra tuyên bố chung
Hội nghị thượng đỉnh G7 ra tuyên bố chung

Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản), trong đó để ngỏ cánh cửa hợp tác với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhóm các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN