Cơn địa chấn pháp lý tại Mỹ
Ngày 30/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị đại bồi thẩm đoàn quận Manhattan (New York) truy tố sau cuộc điều tra về khoản tiền “bịt miệng” trả cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels.
Đây lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một vị cựu tổng thống bị truy tố hình sự. Kịch liệt lên án bản cáo trạng, ông Trump nói trong một tuyên bố rằng đó là "cuộc đàn áp chính trị và can thiệp bầu cử ở mức cao nhất trong lịch sử".
Bản cáo trạng cũng đã bị chỉ trích rộng rãi bởi các đảng viên Cộng hòa. Cựu luật sư của ông Trump, Rudy Giuliani, đã mô tả sự kiện là một "ngày buồn cho nước Mỹ". Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Ted Cruz mô tả bản cáo trạng là "sự leo thang thảm khốc trong việc vũ khí hóa hệ thống tư pháp".
Cáo buộc trên được đưa ra khi ông Trump tìm kiếm sự đề cử của đảng Cộng hòa để tranh cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024. Ông cho biết sẽ tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng, bất chấp những cáo buộc.
Phóng viên của tờ Deutsche Welle (Đức) tại Washington Michaela Küfner đã mô tả bản cáo trạng đối với ông Trump là một "cơn địa chấn pháp lý", lưu ý rằng nó sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với mức độ hoạt động độc lập của ngành tư pháp Mỹ, đồng thời có thể giúp hoặc cản trở nỗ lực tranh cử tổng thống của ông Trump.
Ông Trump, người mà các cuộc thăm dò cấp quốc gia cho thấy là ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua bầu cử tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa, đã rời Nhà Trắng với những tham vọng chính trị lớn và một loạt bê bối pháp lý.
Vượt qua hai lần luận tội với tư cách là tổng thống, ông Trump cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về việc xử lý các tài liệu mật và nỗ lực quay trở lại Nhà Trắng sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020. Các luật sư của ông Trump cũng đang tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra can thiệp bầu cử ở Georgia. Cho đến nay, ông Trump đều phủ nhận mọi cáo buộc trong tất cả các cuộc điều tra.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh tiềm năng năm 2024 của ông Trump, Tổng thống Biden, cũng đang đối mặt với một cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt liên quan đến việc xử lý các tài liệu mật. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cũng đang điều tra xem liệu các thỏa thuận kinh doanh của con trai ông Biden là Hunter Biden với những doanh nhân giàu có ở nước ngoài có liên quan đến đương kim tổng thống Mỹ hay không.
Nga tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus và phản ứng của các bên liên quan
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 tuyên bố Moskva sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Theo ông Putin, việc đưa ra quyết định này là "theo yêu cầu" của người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko cũng như là một phản ứng với việc Anh thông báo sẽ cung cấp đạn urani nghèo cho Ukraine.
Tổng thống Nga cũng lưu ý động thái này là song hành với các hành động của phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân: "Không có gì là bất thường ở đây. Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các đồng minh".
Trong khi đó, hãng Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 29/3 cho biết kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moskva ở Belarus sẽ buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Về phần mình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 31/3 cho biết kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus là cơ hội để bảo vệ nước này trước các mối đe dọa từ phương Tây, cảnh báo NATO đang tăng cường lực lượng quân sự ở Ba Lan, giáp biên giới của Belarus.
Kế hoạch trên của Nga đã khiến Ukraine và phương Tây phản ứng mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 26/3 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức một cuộc họp bất thường và kêu gọi cộng đồng quốc tế "thực hiện các biện pháp quyết đoán" để ngăn chặn việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
NATO cùng ngày đã chỉ trích Nga vì tuyên bố hạt nhân "nguy hiểm”, trong khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi Belarus không lưu trữ vũ khí hạt nhân của Nga và cho biết nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt bổ sung nếu làm như vậy.
Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại về khả năng Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Pháp cũng đã kêu gọi Moskva thể hiện "tinh thần trách nhiệm" và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng cảnh báo Belarus sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tiếp theo vì cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại nước này.
Tại LHQ, theo hãng tin AFP, HĐBA ngày 31/3 đã chứng kiến sự chia rẽ khi các nước phương Tây bày tỏ lo ngại trước thông báo của Nga về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus, trong khi ủy viên thường trực của Hội đồng là Nga vẫn bảo vệ quan điểm của Moskva, cho rằng không có sự khác biệt giữa những gì nước này dự định làm ở Belarus và việc NATO triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu.
Về phần mình, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân giảm thiểu một cách có hiệu quả nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SMCP), các nhà quan sát lập luận rằng kế hoạch của Moskva sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Moskva và phương Tây cũng như nguy cơ làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đóng vai trò trung gian hòa bình trong cuộc chiến Ukraine.
Căng thẳng Mỹ - Nga gia tăng sau vụ bắt giữ phóng viên của tờ Wall Street Journal
Theo tờ Wall Street Journal ngày 31/3, việc Moskva bắt giữ một phóng viên của tờ báo này với cáo buộc tìm cách thu thập thông tin mật về một nhà sản xuất quốc phòng Nga trong tuần này làm gia tăng rạn nứt giữa Mỹ và Nga.
Điều đó cũng sẽ khiến bất kỳ thỏa thuận nào về việc trả tự do cho phóng viên Evan Gershkovich, 31 tuổi, khó được đảm bảo trước khi diễn ra một phiên tòa xét xử tại Nga, các quan chức Mỹ cho biết.
Trước đó, Cơ quan an ninh Nga (FSB) thông báo ông Gershkovich đã bị giam giữ hôm 29/3 vì cáo buộc hoạt động gián điệp trong khi đang thực hiện một chuyến tác nghiệp ở tỉnh Yekaterinburg của Nga, cách Moskva khoảng 1000km về phía Đông. Tờ Wall Street Journal đã phủ nhận cáo buộc của Nga và kêu gọi trả tự do cho ông Gershkovich ngay lập tức.
Các nhà quan sát về Nga cho rằng ông Gershkovich có khả năng bị giam giữ để Moskva có thể sử dụng ông trong một cuộc trao đổi tù nhân. John J. Sullivan, người từng là Đại sứ Mỹ tại Moskva cho đến năm ngoái, cho biết việc Nga buộc tội ông Gershkovich làm gián điệp, thay vì một tội hình sự thông thường, cho thấy Điện Kremlin sẽ muốn có một thỏa hiệp lớn để đổi lấy việc nhà báo này được thả.
“Đây không phải là một vụ bắt giữ của cảnh sát địa phương mà do FSB thực hiện”, ông Sullivan nêu rõ, lưu ý rằng cáo buộc gián điệp là một “diễn biến lớn” và “một dấu hiệu rất xấu”.
Vụ bắt giữ ông Gershkovich đánh dấu điểm nóng ngoại giao mới nhất giữa Moskva và Washington. Hai quốc gia vốn đã ở hai phe đối lập liên quan đến cuộc xung ở Ukraine, cũng đã xung đột về việc bắt giữ công dân của nhau và tình trạng của các hiệp ước vũ khí hạt nhân. Mỹ cũng đã dẫn đầu nhiều quốc gia trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong một chiến dịch nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của nước này sau chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.
NATO chuẩn bị kết nạp thành viên thứ 31 là Phần Lan, Nga ra cảnh báo
Ngày 27/3, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan vào NATO sau nhiều tháng trì hoãn. Tiếp đó ngày 30/3, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trở thành quốc gia thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn nghị định thư kết nạp Phần Lan vào liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Sau các sự kiện trên, Chính phủ Phần Lan cho biết trong một tuyên bố: “Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan và cải thiện sự ổn định và an ninh ở khu vực Biển Baltic và Bắc Âu”.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo, Phần Lan sẽ chính thức là thành viên thứ 31 của tổ chức này trong vài ngày tới, sau khi được sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Stoltenberg, sự gia nhập của Phần Lan sẽ mang lại những đóng góp giá trị cho liên minh quân sự này. Dự kiến, ngoại trưởng các nước thành viên của NATO sẽ nhóm họp tại trụ sở ở Brussels (Bỉ) vào tuần tới để hoàn tất tiến trình kết nạp Phần Lan.
Mai'a Cross, Giáo sư chính trị học tại Đại học Northeastern, nhận định việc Phần Lan - quốc gia có đường biên giới dài 1.340 km với Nga - gia nhập NATO có tầm quan trọng về địa lý và chính trị đối với liên minh. Bà nói: “Phần Lan đang ở một vị trí chiến lược rất quan trọng và việc chuyển từ trạng thái trung lập sang liên kết quân sự đang củng cố việc thể hiện ý chí chính trị của NATO”.
Khi được hỏi về việc Thụy Điển chậm trễ trong việc gia nhập NATO, điều đã gây ra một mức độ thất vọng trong liên minh, ông Stoltenberg bày tỏ hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển trong khoảng thời gian từ cuộc bầu cử ngày 14/5 đến hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới.
Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh rằng, theo quan điểm của ông, Stockholm đã thực hiện phần việc của mình để giải quyết những lo ngại của Ankara. “Đã có những cuộc đàm phán khó khăn, nhưng Thụy Điển đã chứng minh rằng họ đang tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, chống khủng bố, trao đổi thêm thông tin tình báo và không có hạn chế nào đối với việc xuất khẩu vũ khí từ Thụy Điển sang Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Stoltenberg nói.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Stockholm cảnh báo rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" của "các biện pháp trả đũa" - bao gồm cả quân sự - nếu họ gia nhập NATO. Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã triệu tập Đại sứ Nga Viktor Tatarintsev liên quan đến cảnh báo này.