Nóng trong tuần: Bước ngoặt trên đường đua vào Nhà Trắng; Rủi ro gia tăng tại Trung Đông

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị kết tội hình sự; Israel tiến sâu vào lãnh thổ Rafah; Diễn đàn Shangri La khởi động; nắng nóng thiêu cháy Nam Á và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật là những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Bước ngoặt trên đường đua vào Nhà Trắng

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Tòa án hình sự Manhattan ở New York, sau phiên xét xử ngày 30/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 30/5, một bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên tại Tòa án Tối cao Manhattan đã tuyên ông Donald Trump phạm tất cả 34 tội danh trong trong vụ án chi tiền bịt miệng ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm cuộc bầu cử năm 2016.

Với phán quyết này, ông Trump đã trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị tuyên phạm tội hình sự, có thể đối mặt với bản án từ 16 tháng tới 4 năm tù.

Về phía ông Trump, cựu tổng thống Mỹ ngày 31/5 tuyên bố sẽ kháng cáo bản án khẳng định ông có tội. Tuy nhiên, ông sẽ phải đợi cho đến sau phiên tòa tuyên án ngày 11/7 mới có thể thực hiện bước đi này. Phát biểu tại sảnh Tháp Trump ở quận Manhattan, cựu Tổng thống Trump lặp lại cáo buộc phiên tòa “rất không công bằng” nhằm mục đích cản trở nỗ lực trở lại Nhà Trắng của ông.

Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích người tiền nhiệm Trump vì cho rằng hệ thống tư pháp Mỹ bị thao túng. Ông Biden nhấn mạnh phán quyết đối với cựu Tổng thống Trump trong vụ chi tiền “bịt miệng” để che giấu tội lỗi đã chứng tỏ “không ai được phép đứng trên luật pháp”.

Hiện điều mà dư luận quan tâm là phán quyết của toà án sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Do Hiến pháp Mỹ chỉ đề ra 3 tiêu chí đối với một ứng cử viên tổng thống, gồm đối tượng là công dân Mỹ sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, trên 35 tuổi và sinh sống tại Mỹ ít nhất 14 năm, không có quy định nào cấm một công dân phạm tội hình sự tham gia bầu cử, tranh cử, cho nên, việc việc tuyên án sẽ không ngăn ông Trump vận động tranh cử, thậm chí là nhậm chức tổng thống nếu ông thắng cử. Dẫu vậy, một phán quyết có tội có thể khiến ông Trump mất đi một số phiếu bầu.

Theo kết quả thăm dò, hai ứng cử viên Biden và Trump vẫn đang ở trong cuộc chạy đua sít sao. Cụ thể, 41% cử tri nhấn mạnh sẽ bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống Mỹ nếu cuộc bầu cử diễn ra ngay tại thời điểm hiện nay, trong khi 39% cam kết sẽ lựa chọn cựu Tổng thống Trump.

Rủi ro gia tăng tại Trung Đông sau nhiều căng thẳng mới

Chú thích ảnh
Xe quân sự Israel di chuyển dọc biên giới với Dải Gaza, ngày 29/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong tuần qua, “thùng thuốc súng” Trung Đông lại tiếp tục chờ chực nổ khi Israel tiến sâu thêm vào lãnh thổ Rafah và lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu trên Biển Đỏ sau 3 tháng im ắng.

Ngày 28/5, nhiều xe tăng của Israel tiến vào trung tâm thành phố Rafah bất chấp sự phản đối của quốc tế sau vụ không kích khiến hàng chục người thương vong tại thành phố ở phía Nam Dải Gaza này.

Trước đó 2 ngày, quân đội Israel cũng tiến hành không kích vào Rafah khiến ít nhất 45 dân thường thiệt mạng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận vụ việc này là “sự cố thảm họa”, đồng thời cho biết giới chức trách đang điều tra và sẽ đưa ra kết luận về vụ việc.

Ngày 29/5, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi tuyên bố: "Giao tranh ở Dải Gaza sẽ còn diễn ra trong ít nhất 7 tháng nữa". Điều này cho thấy Israel vẫn chưa sẵn sàng kết thúc giao tranh theo đề nghị của Hamas, như một phần của thỏa thuận trao đổi con tin.

Về phía Hamas, Ngày 30/5, Hamas tuyên bố rằng lực lượng này đã thông báo cho các nhà trung gian hòa giải về việc sẵn sàng đạt được một “thỏa thuận đầy đủ”, bao gồm một thỏa thuận trao đổi con tin-tù nhân toàn diện, nếu Israel dừng cuộc chiến ở Dải Gaza.

Trong khi đó, quan hệ giữa Ai Cập và Israel tiếp tục căng thẳng, sau vụ một binh sĩ Ai Cập bị phía Israel bắn chết ở khu vực biên giới Gaza ngày 27/5. Không chỉ vậy, Israel còn tuyên bố giành quyền kiểm soát chiến lược Hành lang Philadelphi - vốn dĩ là một địa điểm nhạy cảm trong quan hệ Tel Aviv và Cairo.

Trên Biển Đỏ, lực lượng Houthi ở Yemen tiếp tục tấn công loạt tàu hàng và tàu quân sự của Mỹ sau một vài tháng gián đoạn. Để đáp trả, lực lượng Mỹ, Anh tiến hành không kích qua đêm khiến ít nhất 16 người thiệt mạng theo truyền thông Houthi. Trên nền tảng mạng xã hội X, quan chức Houthi Mohammed Al-Bukhaiti cảnh báo lực lượng Houthi sẽ đáp trả hành động leo thang bằng các hoạt động quân sự.

Nắng nóng ‘thiêu đốt’ Nam Á

Chú thích ảnh
Phun nước hạ nhiệt trên đường phố trong ngày nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 28/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, với tần suất thường xuyên và gay gắt hơn.

Ngày 29/5, các chuyên gia khí tượng đã ghi nhận nhiệt độ Vùng thủ đô Delhi đạt 52,9 độ C, là mức cao nhất mọi thời đại. Nhiệt độ tăng cao đã đẩy nhu cầu nước đi lên và người dân ở nhiều khu vực ở vùng thủ đô Dehli đã phải xếp hàng dài chờ đợi hàng giờ để lấy nước. Kết quả là thành phố thiếu nước trầm trọng, dẫn đến tình trạng cắt nước thường xuyên ở nhiều nơi. Nắng nóng cũng khiến hơn 50 người thiệt mạng tại quốc gia này.

Trong khi đó, tại Pakistan, các nhà chức trách nước này kêu gọi người dân nước này nên ở trong nhà, uống đủ nước và tránh đi lại không cần thiết để ngăn ngừa sốc nhiệt trong bối cảnh nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ lên tới 53 độ C. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Pakistan là 53,8 °C tại các thành phố Turbat thuộc tỉnh Balochistan và Moenjo Daro thuộc tỉnh Sindh vào ngày 28/5/2017.

Nhiệt độ tăng cao bất thường trong nhiều ngày đã khiến hàng trăm người tại thành phố Lahore phải điều trị sốc nhiệt. Hàng chục người cũng phải nhập viện vì lý do tương tự. Tại Sukkur, chính quyền thành phố đã dựng các lều trại cứu trợ để cấp cứu người sốc nhiệt cũng như phát nước đá miễn phí cho người dân.

Pakistan đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng các quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Nội dung nổi bật tại Diễn đàn Shangri La 2024

Chú thích ảnh
Hơn 550 đại biểu từ 40 quốc gia tham dự Đối thoại Shangri-La 2024. Ảnh: Lê Dương - P/v TTXVN tại Singapore

Từ ngày 31/5 đến ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 diễn ra tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore, với sự tham dự của khoảng 550 đại biểu đến từ 40 quốc gia trên thế giới để cùng thảo luận về những thách thức an ninh nghiêm trọng mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến dẫn đầu tham dự hội nghị.

Đối thoại Shangri-La năm nay dự kiến chứng kiến nhiều phiên thảo luận "nóng", trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động với diễn biến phức tạp, khó lường của các cuộc xung đột, cạnh tranh.

Tại Đối thoại lần này, các đại biểu thảo luận nội dung xoay quanh các chủ đề “Sự răn đe và trấn an ở châu Á-Thái Bình Dương”; “Hợp tác quốc phòng và an ninh các nước nhỏ”; “Myanmar: Cơ hội ngoại giao trong bối cảnh tầm nhìn khác nhau về hòa bình”; vai trò, quan điểm của Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh khu vực; quản lý khủng hoảng; thực thi luật hàng hải và xây dựng lòng tin; chiến tranh mạng; hợp tác an ninh và hợp tác trong hoạt động nhân đạo… cùng các cuộc gặp song phương. Tâm điểm cuộc gặp mặt song phương năm nay là cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng hai nước Mỹ và Trung Quốc. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng của hai nước sau 18 tháng. Tại cuộc hội đàm hiếm hoi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và người đồng cấp Lloyd Austin đạt được sự nhất trí về tầm quan trọng của việc liên lạc quân sự giữa hai nước. Tại hội đàm, hai bên cũng thảo luận về các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza.

Kết quả hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật

Ngày 27/5, kết thúc hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ 9 tại Seoul (Hàn Quốc), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã ký tuyên bố chung nêu bật các nội dung hợp tác trọng tâm.

Các lãnh đạo nhất trí ba nước có những tiềm năng hợp tác đáng kể trên nhiều lĩnh vực, nhất trí tổ chức định kỳ Hội nghị thượng đỉnh ba bên và các cuộc họp cấp Bộ trưởng, nỗ lực đảm bảo rằng người dân ba nước có thể được hưởng những lợi ích thiết thực từ sự hợp tác này.

Về kinh tế, ba bên nhất trí rằng những nỗ lực chung trong lĩnh vực kinh tế và thương mại giữa ba nước đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng và ổn định của nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Ba nước cũng cam kết cùng nhau giải quyết những thách thức chung như tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa, đồng thời lưu ý sự cần thiết phải giải quyết kịp thời những tác động tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với cuộc sống hằng ngày của nhân loại, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì trao đổi về AI.

Ngoài ra, ba nước tái khẳng định rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á là trách nhiệm chung, nhất trí tiếp tục nỗ lực tích cực để tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Người nghèo Ấn Độ vật vã trong cái nóng gần 50 độ C và khan hiếm nước
Người nghèo Ấn Độ vật vã trong cái nóng gần 50 độ C và khan hiếm nước

Không hề có nước sinh hoạt trong khu ổ chuột Chanakyapuri của New Delhi. Và nhiệt độ đã chạm ngưỡng 49,9 độ C. Nắng nung nóng mái tôn của những căn nhà lụp xụp. Người dân tuyệt vọng chờ đợi xe chở nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN