Theo báo Mỹ New York Times, trong hàng chục năm qua, các nông trại của Israel phụ thuộc vào lao động người Palestine và Thái Lan để thu hoạch. Tuy nhiên, kể từ cuộc tấn công do Hamas lãnh đạo vào ngày 7/10 làm bùng phát vòng xoáy bạo lực mới nhất tại Dải Gaza, hầu hết người Palestine đã bị cấm nhập cảnh vào Israel trong khi nông dân Thái Lan sợ hãi trở về nước, đẩy các nông trại tại Israel vào tình trạng thiếu người lao động.
“Những người làm cho tôi đều rời đi vì xung đột. Tôi không biết phải làm thế nào”, Gabi Swissa (61 tuổi) – chủ một nông trại ở ngoại ô Kadima, miền Trung Israel, nói. Trong nhiều thập kỷ, ông thuê chủ yếu người Palestine và người Thái Lan làm trong nông trại.
Cựu quân nhân lớn tuổi từng thuộc đơn vị chiến đấu tinh nhuệ không giấu nổi sự xúc động khi nói về việc các tình nguyện viên dự kiến đến giúp đỡ ở nông trại của ông vào tuần trước đã không xuất hiện.
Tầm nhìn về một quê hương được đảm bảo an ninh lương thực trong nhiều thập kỷ đã thúc đẩy các chính sách kinh tế của Israel và định hình hình ảnh quốc gia này như một quốc gia “hoa nở trên sa mạc”. Nhưng giờ đây, khi đất nước đang tập trung vào việc chiến đấu và giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ, họ cũng gặp khó khăn trong việc vận hành các nông trại.
Yuval Lipkin, một quan chức cấp cao điều hành trong Bộ Nông nghiệp Israel, nhấn mạnh: “Nông nghiệp Israel đang rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thành lập nhà nước vào năm 1948”. Quan chức này cho biết kể từ khi bắt đầu chiến tranh, các nông trại đang thiếu ít nhất 15.000 nhân công.
Các khu đất nông nghiệp dọc theo biên giới phía Nam và phía Bắc Israel không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của đất nước mà còn có vị trí phòng thủ.
Những nông trại biên giới này đang đứng trước nguy cơ cao bị tấn công từ các tay súng Palestine. Chúng được coi là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Cư dân của các cộng đồng nông nghiệp dọc biên giới với Dải Gaza, mặc dù bị tàn phá trong cuộc tấn công hồi tháng trước, đã giúp ngăn chặn nhóm chiến binh xâm nhập sâu hơn vào Israel và tiếp cận các trung tâm đô thị lớn hơn.
Ông Lipkin bày tỏ: “Những người nông dân của chúng tôi là anh hùng ở biên giới. Chúng tôi cần những người nông dân đó”.
Đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế Israel đã bị thu hẹp khi đất nước “khởi nghiệp” này trở thành một cường quốc công nghệ. Tuy nhiên, khoảng 75% rau của Israel được trồng ở phía Nam gần Dải Gaza. Trước chiến tranh, ngành nông nghiệp của nước này tuyển dụng khoảng 30.000 lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ Thái Lan và thêm 9.000 người Palestine. Theo các quan chức Israel, khoảng 1.200 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 7/10, trong đó có 32 công dân Thái Lan. Ngoài ra, 25 người Thái Lan đã bị bắt cóc.
Kể từ khi xung đột nổ ra, hàng nghìn gia đình Israel đã được sơ tán khỏi các khu vực dễ bị tổn thương ở dọc biên giới. Ít nhất 8.000 công nhân Thái Lan đã trở về quê hương. Nhiều nông trại vật lộn duy trì hoạt động của mình.
Giấy phép lao động do Israel cấp cho người Palestine sống ở Gaza ngay lập tức bị hủy bỏ và cư dân Bờ Tây bị cấm nhập cảnh vào nước này.
Tại một nông trại cà chua cách Dải Gaza 5 km, chỉ có 35 người lao động Thái Lan đang làm việc. Chủ nông trại, ông Noam Amir, chia sẻ: “Tôi nói với những người muốn rời đi rằng tôi đang cần sự giúp đỡ của họ. Và tôi sẽ tăng lương. Nhưng họ không muốn ở lại. Tôi tôn trọng quyết định của họ”.
Không còn người lao động chính, các chủ nông trại giờ chỉ còn cậy nhờ vào các nhóm tình nguyện viên.
“Nếu không có những tình nguyện viên này, công việc kinh doanh của tôi sẽ không trụ nổi trong 3 tháng tới”, Yuval Shargian – chủ một nông trại 40 hecta ở Tzofit – nói. Trong 25 năm qua, ông chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lao động từ Palestine và Thái Lan. Hiện ông được một nhóm khoảng 30 tình nguyện viên làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, từ kỹ sư lập trình cho đến sinh viên đại học, tới giúp thu hoạch súp lơ và bí ngòi.