Kolar, thành phố nằm ở bang miền nam Ấn Độ Karnataka, là thủ phủ xuất khẩu “vàng đỏ” – tức cà chua. Nông dân tại Kolar canh tác trên khoảng 20.000 hecta cà chua. Nhưng khác với vàng ròng, người nông dân không có được bảo đảm cho “vàng đỏ” khi sản xuất nông nghiệp.
Đây là vụ mùa bội thu, nhưng người nông dân lại kém vui vì mức giá giảm mạnh, do nhu cầu tiêu thụ cà chua lao dốc trong thời điểm chính quyền thực thi đóng cửa, hạn chế di đi lại, ảnh hưởng lớn đến giao thương, vận chuyển hàng hóa. Bình thường, một túi cà chua 15 kilogam có giá từ 250-300 rupee (khoảng 3,40 - 4,10 USD), nhưng nay rớt xuống chỉ còn 70 rupee, thậm chí có thời điểm 30 rupee. Người nông dân giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để cà chua chín thối trên đồng, hoặc đem chất đống, đổ bỏ bên vệ đường.
Ba năm qua, ngày càng có nhiều nông dân chuyển sang chồng cà chua, sau khi hệ thống tưới tiêu được cải thiện đáng kể khi dự án thủy lợi K.C Valley hoàn tất và đi vào vận hành, dẫn nước từ Bangalore về 126 hồ chứa ở quanh vùng Kolar. Nalini Gowda, một nông dân kiêm thủ lĩnh công đoàn địa phương, đã cầm cố đất canh tác để vay vốn từ một cá nhân với kế hoạch trồng cà chua. Cô có cánh đồng cà chua rộng 2,2 hecta. Nhưng với mức giá ở thời điểm này, tiền bán cà chua không đủ bù chi phí lao động và vận chuyển.
Gowda giờ phải dùng cà chua để chăm bò, số còn lại đành để chín thối trên đồng. Cô đang lo lắng không có khả năng trả khoản vay và cũng không biết kiếm đâu ra tiền để đầu tư cho mùa vụ mới. Gia đình có 16 miệng ăn, không kể học phí cho con cái và khoản chi cho y tế, đó là gánh nặng lớn. “Ở thời điểm này, tôi chỉ mong sống sót qua đại dịch. Tôi sẽ thăm dò các kế hoạch khác khi lệnh đóng cửa được dỡ bỏ”, Gowda nói.
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Ấn Độ là nước sản xuất cà chua lớn thứ hai thế giới, với sản lượng 19 triệu tấn trong năm 2019, chỉ xếp sau Trung Quốc. Thị trường cà chua do chính quyền bang điều hành ở Kolar là thị trường lớn thứ hai ở châu Á, chỉ sau Madanapalli nằm ở bang Telangana giáp ranh với Kolar. Với lợi thế nằm ngay sát tuyến đường quốc lộ, phần lớn sản lượng 1,5 triệu tấn cà chua trồng ở Kolar và các vùng lân cận đều được tập kết tại đây, với nhiều thương lái đến từ các bang. Họ cũng xuất khẩu mặt hàng nông sản này sang các nước láng giềng như Bangladesh, Trung Quốc hay Pakistan.
Nhưng số lượng thương lái đổ về Kolar giờ không nhiều, bởi quy định đóng cửa do chính phủ ban hành và thương lái cũng sợ bị phạt tiền nếu vi phạm lệnh hạn chế di chuyển. Vào thời điểm này trong năm, thường có khoảng 1.200 thương lái hoạt động ở Kolar, họ đến từ các bang Maharashtra, Gujarat, Tây Bengal hay Odisha. Nhưng nay số lượng giảm xuống còn chưa đầy 500, phần lớn là từ Kolar hay bang giáp ranh Bangalore.
Cà chua cũng là nguồn rau tươi chủ yếu cho nhiều nhà hàng. Nhưng nguồn tiêu thụ này cũng không còn, khi nhà hàng, tiệm ăn thuộc nhóm dịch vụ kinh doanh bị đóng cửa. Mùa thu hoạch cà chua bắt đầu từ tháng 5 và rộ trong tháng 6. Những nông dân đang còn mùa vụ hiện chỉ biết nghe ngóng thông tin về lệnh đóng cửa.
Narayana Gowda trồng 4 hecta cà chua và đã mất trắng hơn 1 hecta. Anh từng có kế hoạch để cà chua chín thêm khoảng 2 tuần, với hy vọng giá có thể phục hồi. Nhưng mùa vụ càng về cuối, khả năng chịu đựng cũng dần cạn kiệt, giá vẫn giảm. Cuối cùng, Narayana Gowda đành phải từ bỏ hết, dọp dẹp đồng ruộng để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.
Byalahalli Govinda Gowda, người đứng đầu một ngân hàng hợp tác địa phương, đang chờ thời điểm để thu hái gần 5 hecta cà chua. Ông nhớ lại thời điểm hoàng kim của người nông dân ở Kolar vào tháng 6/2016, khi giá thu mua lên đến 900-1.200 rupee một bịch cà chua 15 kilogam.
Người nông dân này mong muốn chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi định ra mức giá sàn với cà chua và tổ chức thu mua như với gạo, bột mỳ, đường cùng hơn 20 mặt hàng nông sản khác. Các mặt hàng rau quả như cà chua thường biến động thất thường, do ít có điều chỉnh về luật và không có hình thức thu mua từ chính phủ.
Chính quyền bang Karnataka đã thông báo kế hoạch chi trả 10.000 rupee cho mỗi hecta trồng rau, hoa quả, hoa tươi, trong đó có cà chua. Nhưng con số này chưa đủ để trang trải chi phí lao động, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền vận chuyền. Theo ước tính của Nalini Gowda, con số thực tế cần phải gấp hơn 10 lần như vậy.
Dịch bệnh tại Ấn Độ đang có xu hướng dịu đi, khi số ca mắc mới giảm từ mức đỉnh hơn 400.000 ca/ngày xuống còn khoảng 70.000 ca/ngày. Nhưng khi một thị trường lớn rơi vào tình cảnh mất cân bằng, sẽ rất khó để sớm phục hồi trở lại như thời điểm trước đại dịch.