Nội bộ liên minh cầm quyền tại Đức rạn nứt về chính sách người tị nạn

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 18/6, trong cuộc đàm phám giữa Liên minh Dân chủ (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền tại Đức nhằm giải quyết những bất đồng sâu sắc về chính sách tị nạn, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer đã đồng ý với Thủ tướng Angela Merkel gia hạn thêm 2 tuần để thực hiện chính sách tị nạn do ông đề xuất.

Trong cuộc đàm phám giữa Liên minh Dân chủ (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền tại Đức nhằm giải quyết những bất đồng sâu sắc về chính sách tị nạn, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer (phải) đồng ý với Thủ tướng Angela Merkel gia hạn thêm 2 tuần để thực hiện chính sách tị nạn do ông đề xuất. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng tin DPA của Đức dẫn các nguồn tin từ đảng CSU cho biết lãnh đạo đảng CSU và Bộ trưởng Seehofer nhất trí gia hạn việc thực hiện kế hoạch tị nạn mà ông Seehofer đưa ra đến sau Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra vào 28-29/6 tới.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức, CSU sẽ chờ đợi giải pháp từ Thủ tướng Merkel cho các bất đồng giữa CDU và CSU trong chính sách tị nạn của Đức. Ông cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới, không tiếp nhận những người nhập cư vào tháng 7 tới nếu Thủ tướng Merkel không tìm được giải pháp với các đối tác châu Âu.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel đã đồng ý với thời hạn mà Bộ trưởng Nội vụ và CSU đưa ra, chờ kết quả Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới trước khi Đức áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới mới.

Tuy nhiên, bà đã bác bỏ "tối hậu thư" mà Bộ trưởng Nội vụ Seehofer đưa ra, đồng thời khẳng định không thể có việc tự ý từ chối tiếp nhận người nhập cư nếu không thỏa thuận nào đạt được. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh kế hoạch cải cách chính sách tị nạn mới do ông Seehofer đề xuất có thể đe dọa hệ thống nhập cư của toàn EU.

Theo chính sách tị nạn mới, Bộ trưởng Seehofer không muốn tiếp nhận tại biên giới Đức những người tị nạn đã đăng ký nhập cảnh vào một nước khác trong EU và có dấu vân tay đã được lưu trong hệ thống Eurodac.

Theo ông, một giải pháp châu Âu là cần thiết, đồng thời kêu gọi hội nghị thượng đỉnh EU sẽ đưa ra các nghị quyết "thừa nhận gánh nặng" của Đức trong chính sách đón người nhập cư, đảm bảo bảo vệ hiệu quả biên giới đối ngoại của EU và phân phối hợp lý những người có quyền cư trú, cũng như trục xuất nhanh chóng những người không có quyền cư trú".

Truyền thông Đức đánh giá điều này có khả năng sẽ phá vỡ nguyên tắc nhập cư Dublin của EU và đe dọa nguyên tắc tự do di chuyển trong EU. Thủ tướng Merkel lo ngại nếu Đức thực hiện chính sách mới, các nước khác cũng sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới tương tự. Một số nhà chỉ trích, trong đó có cựu Bộ trưởng Nội vụ Gerhart Baum đã mô tả đề xuất của ông Seehofer là bất hợp pháp, tạo ra sự bất ổn cho chính phủ mới.

Những tranh cãi nảy lửa xung quanh chính sách nhập cư giữa CDU và CSU trong tuần qua đang đe dọa sẽ phá vỡ Đại liên minh còn bao gồm cả Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Điều này có nguy cơ đặt dấu chấm hết cho chức vụ thủ tướng của bà Merkel, người đã lãnh đạo chính phủ Đức kể từ tháng 11/2005.

Giới phân tích nhìn nhận CSU của Bộ trưởng Seehofer cũng đang phải đối mặt với thách thức từ phía đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử bang Bavaria vào tháng 10 tới. Do đó, một lập trường cứng rắn về di cư đang là cách hiệu quả nhất để tránh những thách thức của các nhà dân túy.

TTXVN/Báo Tin tức
Hàng nghìn người biểu tình, phản đối chính sách mới của Italy với người di cư
Hàng nghìn người biểu tình, phản đối chính sách mới của Italy với người di cư

Ngày 16/6, hàng nghìn người dân tại thủ đô Rome của Italy đã xuống đường biểu tình để phản đối các chính sách cứng rắn của chính phủ mới đối với người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN