Hàng nghìn người biểu tình, phản đối chính sách mới của Italy với người di cư

Ngày 16/6, hàng nghìn người dân tại thủ đô Rome của Italy đã xuống đường biểu tình để phản đối các chính sách cứng rắn của chính phủ mới đối với người di cư.

Được nhóm bảo vệ công đoàn Unione Sidicato di Base (USB) tổ chức, cuộc biểu tình đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân Italy và những người di cư. Họ mang theo những bức tranh cổ động và áp-phích, tuần hành dọc tuyến đường kéo dài 2,5km xuyên qua các đường phố của trung tâm lịch sử thành Rome.

Hàng nghìn người dân tại thủ đô Rome của Italy đã xuống đường biểu tình để phản đối chính sách cứng rắn của chính phủ mới với người di cư. Ảnh: Getty Images

Những người biểu tình đều bày tỏ sự thông cảm đối với những người di cư phải trải qua những hành trình vượt biển nguy hiểm để đến được các nước châu Âu, cho rằng các quốc gia phát triển như Italy cần có nghĩa vụ giúp đỡ những người gặp khó khăn, thay vì quay lưng lại với họ.

Mặc dù chưa có ước tính chính thức số người tham gia tuần hành, song cảnh sát Italy cho biết ban tổ chức đã lên kế hoạch kêu gọi khoảng 20.000 người tham gia. Hiện chưa ghi nhận hành vi bạo lực.

Cuộc biểu tình diễn ra chỉ hơn hai tuần sau khi chính phủ mới của Italy do Thủ tướng Giuseppe Conte đứng đầu nhậm chức và nhận được sự hậu thuẫn của đảng Liên đoàn phương Bắc, đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc và có quan điểm phản đối người di cư.

Italy đã thu hút sự chú ý của dư luận trên thế giới khi nước này hồi tuần trước đã từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư trái phép được tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee giải cứu trên Địa Trung Hải. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Italy sau vụ việc trên, khiến quan hệ hai nước căng thẳng. Tuy nhiên, trong cuộc họp giữa ông Macron và Thủ tướng Tây Ban Nha Conte tại Paris sau đó, hai bên đã nhất trí rằng Liên minh châu Âu (EU) cần thành lập các trung tâm giải quyết các đơn xin tị nạn đặt tại các nước có người dân muốn tới di cư tới châu Âu.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp trên, Thủ tướng Conte đã nhấn mạnh không một nước nào tại châu Âu có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm giải quyết vấn đề người di cư. Ông kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ các nước ở tuyến đầu như Italy giải quyết vấn nạn trên, cũng như ngụ ý tất cả các nước, bao gồm Italy, nên làm tròn trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, tuyên bố của Thủ tướng Conte cho thấy sự đối nghịch với người đứng đầu đảng Liên đoàn phương Bắc, tân Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini. Ngày 16/6, ông Salvini đã tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn khi cảnh báo sẽ không cấp phép cho hai tàu cứu người di cư khác đang ở ngoài khơi bờ biển Libya được cập cảng Italy, tương tự như trường hợp của tàu Aquarius.

Hôm 9/6, tàu Aquarius đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Địa Trung Hải. Trong số này có 123 trẻ em không có người thân đi cùng và 7 phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cả Malta và Italy đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến tàu Aquarius phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italy.

Tây Ban Nha sau đó tuyên bố sẽ tiếp nhận con tàu này và tàu Aquarius cập cảng Valencia trong ngày 17/6. Mới đây nhất, Pháp cho biết sẽ tiếp nhận một số người di cư trên tàu Aquarius có nguyện vọng đến quốc gia Tây Âu này và đề nghị này đã được Tây Ban Nha chấp thuận.

TTXVN/Báo Tin tức
Cần giải pháp cấp độ châu Âu để tránh đùn đẩy tiếp nhận người di cư
Cần giải pháp cấp độ châu Âu để tránh đùn đẩy tiếp nhận người di cư

Sau khi các nước đùn đẩy việc tiếp nhận người di cư như đã xảy ra đối với tàu cứu hộ Aquarius ở Địa Trung Hải, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái khẳng định sự cần thiết phải có một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN