Các nhân viên y tế và lái xe trên xe cấp cứu tại Ấn Độ thời gian này lao lực vì làm việc trong nhiều giờ đồng hồ, ám ảnh về tâm lý và nguy cơ cao lây nhiễm từ người bệnh.
Hệ thống y tế tại Ấn Độ đang oằn mình trước làn sóng dịch bệnh thứ 2 lây lan nhanh hơn bao giờ hết. Trong khi các bác sĩ và nhân viên y tế tại tiền tuyến bận rộn cứu người thì những nhân viên dịch vụ cấp cứu bao gồm lái xe cứu thương cũng xông pha cuộc chiến.
Theo đài Sputnik, chỉ trong hai tháng 4 và 5, khi số ca tử vong vì COVID-19 vượt quá 100.000 trường hợp và số ca mắc mới mỗi ngày lên tới 400.000 ca, những người lái xe cứu thương phải làm việc liên tục để tới giúp các bệnh nhân nguy kịch do thiếu nguồn nhân lực. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ với đường sá trắc trở, những thách thức đối với họ tăng lên theo cấp số nhân và đối với một số người, việc hoàn thành nhiệm vụ trở nên khó khăn.
Chia sẻ về công việc trong mùa dịch, những người lái xe này cho biết mặc dù họ đã quen nhìn thấy người tử vong song họ chưa bao giờ trải qua nỗi đau và sự ám ảnh lớn như thế này.
Chotu Paswan, làm việc tại bang Bihar, đang vận hành một dịch vụ xe cứu thương tình nguyện tại Patna. Tình hình COVID-19 hồi tháng 4, tháng 5 vẫn khiến anh rùng mình cho đến tận bây giờ mỗi lần nhắc lại.
“Tôi cùng anh trai giúp mọi người hết sức có thể. Tôi đã làm việc trong ngành này 10 năm qua nhưng lần này thật đáng sợ và đau lòng. Tôi chứng kiến nhiều gia đình bị vắt kiệt vì COVID-19. Tháng 5 là tháng tồi tệ nhất. Mỗi người lái xe phải chứng kiến 10 cái chết trên xe mỗi ngày”, Paswan chia sẻ.
Làn sóng dịch bệnh thứ hai đã gây ra một khoảng thời gian khó khăn đối với bệnh nhân và người nhà, khi phải đi hết từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để tìm giường trống. Phần lớn thời gian, lái xe cấp cứu phải chờ hàng giờ tại các bệnh viện để bệnh nhân được nhập viện và đôi khi, không thể chờ đợi, bệnh nhân tử vong trên xe.
Những hình ảnh này đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần cho những người lái xe. Một số tài xế nói rằng việc chờ đợi đến lượt tại các lò hỏa táng quá tải cũng đặc biệt đau lòng. Có lúc họ phải chờ tới hơn 10 tiếng trên xe cùng thi thể bệnh nhân và người nhà của họ để tìm được chỗ chôn cất.
"Cả gia đình tôi đều bị ốm nhưng tôi không thể thăm họ khi ngày ngày phải chở bệnh nhân đến viện cấp cứu. Tôi đã từng lo lắng và sợ mình sẽ ra sao nếu vợ con tôi gặp phải số phận tương tự. Tôi lái xe cứu thương trong 12 năm qua và những gì chúng tôi chứng kiến trong trận đại dịch này sẽ ám ảnh chúng tôi trong suốt quãng đời còn lại”, Naresh, một người lái xe, bày tỏ.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, những nhân viên y tế tiền tuyến đã không màng sinh mạng để cứu giúp người dân. Một số người thậm chí còn tử vong chỉ vì kiệt sức.
Tuy nhiên, bên cạnh những tình nguyện viên, vẫn có một số đối tượng cung cấp dịch vụ xe cứu thương tư thân “hét giá” chở người với mức cắt cổ. Để kiểm soát tình hình, chính quyền các bang đã vào cuộc và ấn định mức phí cố định cho việc chở bệnh nhân. Các nhà lãnh đạo cũng cảnh báo xử phạt các hành vi nếu phát hiện vi phạm quy định.