Đài phát thanh Begum được thành lập vào Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) năm nay, chỉ 5 tháng trước khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul và giành lại quyền kiểm soát. Hằng ngày, từ một khu lao động tại thủ đô Kabul, đài phát thanh Begum phát đi tiếng nói của phụ nữ trên khắp Afghanistan, với toàn bộ thời lượng là các chương trình giáo dục và tư vấn dành cho nữ giới và do phụ nữ thực hiện. Bên cạnh việc phát sóng ra khắp thủ đô Kabul và các khu lân cận, đài còn phát nội dung trực tuyến trên mạng xã hội Facebook.
"Begum" vốn là một tước hiệu cao quý tại Nam Á, nhưng ngày nay từ này được dùng để gọi phụ nữ Hồi giáo đã kết hôn. Thông qua cách đặt tên này, bà Hamida Aman, 48 tuổi, nhà sáng lập đài phát thanh Begum, muốn khẳng định đây chính là nơi giúp phụ nữ Afghanistan nói lên tiếng lòng, chia sẻ nỗi đau và thể hiện sự giận dữ. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song bà Aman vẫn kiên quyết duy trì hoạt động của đài với tuyên bố mạnh mẽ: "Chúng tôi sẽ không từ bỏ". "Chúng tôi phải chứng tỏ rằng chúng tôi không cần phải sợ hãi".
Trước đây, các nhân viên nữ trong đài làm chung văn phòng với các đồng nghiệp nam. Giờ đây hai nhóm làm việc ở tầng riêng biệt, phía trước văn phòng của các nữ nhân viên đều treo một tấm rèm lớn. Các bản nhạc Pop thịnh hành cũng dần được thay thế bằng các bài hát truyền thống và mang giai điệu trầm lắng hơn. Dù phải thích nghi với tình hình mới, song đối với các nữ nhân viên của đài, việc họ vẫn có thể đi làm đã là một đặc quyền, trong khi nhiều nữ nhân viên làm việc cho chính phủ đã bị cấm quay lại cơ quan.
Cho đến nay, Taliban vẫn chưa chính thức hóa nhiều chính sách, gây khó khăn cho việc thực hiện trên khắp cả nước. Hiện phần lớn các trường trung học cho nữ sinh đều đã bị đóng cửa. Trong bối cảnh đó, cứ hai ngày một lần, studio của đài Begum lại trở thành lớp học. Mursal, một bé gái 13 tuổi, đã chăm chỉ đến đây kể từ khi các trường học phải đóng cửa. Em muốn gửi thông điệp tới những nữ sinh không thể tới trường rằng các bạn hãy lắng nghe chương trình thật kỹ, tận dụng cơ hội quý báu này trước khi chúng mất đi.
Ngoài các chương trình giáo dục cho trẻ em, đài cũng phát các bài học trực tuyến cho người trưởng thành. Giám đốc đài Saba Chaman, 24 tuổi, đặc biệt tự hào về chương trình tư vấn tâm lý qua điện thoại của đài. Theo thống kê, năm 2016, chỉ có 18% phụ nữ tại Afghanistan biết chữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 62% ở nam giới. Tâm sự trên đài phát thanh, một phụ nữ chia sẻ: "Phụ nữ không biết chữ giống như những người mù. Khi tôi đến cửa hàng dược, họ đã đưa cho tôi thuốc hết hạn. Nếu tôi biết đọc thì họ đã không thể làm vậy".
Vài tháng sau khi Taliban trở lại nắm quyền, bà Aman đã gặp người phát ngôn chính quyền Taliban Zabihullah Mujahid và cho biết đài đang nỗ lực để thể hiện tiếng nói của phụ nữ tại quốc gia Tây Nam Á này. Dù người phát ngôn đã tỏ thái độ rất tích cực, song tương lai của đài vẫn rất mờ mịt. Tháng 9 vừa qua, Tolo News - đài truyền hình hàng đầu của Afghanistan - cho biết có hơn 150 chi nhánh của đài phải đóng của do các biện pháp hạn chế và khó khăn về tài chính. Về phần mình, đài phát thanh Begum đã không còn nguồn thu từ quảng cáo. Nếu không có ngân sách trong vòng 3 tháng, tiếng nói duy nhất của phụ nữ Afghanistan sẽ phải biến mất hoàn toàn trên các tần số phát thanh của quốc gia này.