Bài toán làm mát
Nhiệt độ cao oi bức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất, kinh tế và thậm chí là sự sống còn của chúng ta. Chỉ cần tăng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp có thể khiến 2,3 tỷ người có nguy cơ hứng chịu các đợt sóng nghiệt nghiêm trọng. Giới khoa học cảnh báo chúng ta có thể chạm ngưỡng tăng nhiệt độ đó vào đầu những năm 2030 nếu không cắt giảm lượng khí thải carbon.
Thời tiết nắng nóng gay gắt gây ra 12.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán đến năm 2030 có thể có thêm 38.000 ca tử vong hàng năm do người cao tuổi tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Máy điều hòa có thể là giải pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng, nhưng thiết bị “ngốn” nhiều năng lượng này chỉ làm tăng thêm vấn đề. Bà Lily Riahi từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chia sẻ với kênh DW (Đức): “Chúng ta cần phải thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này. Cách chúng ta đang làm mát ngôi nhà và nơi làm việc là một nguyên nhân lớn dẫn đến biến đổi khí hậu”.
Máy điều hòa không khí rò rỉ chất làm lạnh gây hại góp phần làm nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, điều hòa và quạt cũng chiếm khoảng 16% tổng lượng điện được sử dụng trong các tòa nhà trên khắp thế giới.
Nhiệt độ toàn cầu, dân số và thu nhập tăng lên ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc khiến Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán đến năm 2050, số lượng điều hòa trên toàn thế giới có thể tăng lên 5,6 tỷ chiếc từ gần 2 tỷ chiếc hiện nay.
Cơ quan này cũng ước tính rằng, nếu không có hành động để thay đổi, nhu cầu năng lượng làm mát không gian có thể tăng gấp ba vào giữa thế kỷ này. Khi đó, năng lượng dành cho làm mát không gian có thể tương đương lượng điện năng Trung Quốc và Ấn Độ đang sử dụng hiện nay.
DW đánh giá điều hòa đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bằng cách tạo điều kiện để người lao động làm việc thoải mái khi nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, sự bùng nổ của điều hòa dự kiến đặt ra thách thức lớn.
Bà Lily Riahi cho biết vẫn còn thiếu nhận thức về các giải pháp làm mát thay thế và tổn tại rào cản tài chính ngăn mọi người mua máy điều hòa tiết kiệm năng lượng với chất làm lạnh khí thải thấp. Bà nhận định: "Điều quan trọng là làm thế nào chúng ta có thể thiết kế các thành phố và tòa nhà để giảm nhu cầu làm mát ngay từ đầu. Và nó cũng có thể có nghĩa là tìm cách khuyến khích đưa công nghệ hiệu quả nhất ra thị trường".
Các sáng kiến nổi bật
Xây dựng các tòa nhà với bóng râm bên ngoài, mái nhà xanh hoặc sơn phản quang cũng có thể hạn chế nhiệt mà những công trình này hấp thụ. Mở rộng không gian xanh, các khu vực có hành lang nước và gió trong thành phố cũng có thể hữu ích.
Tổ chức Mahila Housing Trust tại Ấn Độ đang hợp tác với người dân sống trong các khu ổ chuột không đủ tiền mua máy điều hòa để giúp họ giữ nơi ở luôn mát mẻ. Tổ chức này tập trung vào các biện pháp chi phí thấp như sơn trắng mái lợp tôn, trồng cây gần nhà để tạo bóng mát hoặc lắp đặt mái nhà làm mành tre nén - loại vật liệu hấp thụ nhiệt ít hơn.
Giám đốc Mahila Housing Trust – bà Bijal Brahmbhatt cho biết chỉ cần phủ sơn phản quang lên mái nhà có thể khiến nhiệt độ trong nhà giảm tới 6 độ C. Đây là sự thay đổi mà người dân ghi nhận gần giống như có máy điều hòa. Bà bổ sung rằng mọi người cũng có thể cắt giảm hóa đơn tiền điện vì họ không còn phải sử dụng quạt nữa.
Một dự án khác ở sa mạc Ai Cập, nơi nhiệt độ mùa Hè có thể lên tới gần 50 độ C, cũng đang giải quyết vấn đề nhiệt độ chỉ nhờ thiết kế thông minh. Kiến trúc sư Sarah El Battouty, người sáng lập công ty xây dựng xanh EConsult, cho biết họ đã cố gắng giảm nhiệt độ tòa nhà khoảng 10 độ C mà không cần các giải pháp cơ học.
Công ty của cô đang hợp tác với chính phủ Ai Cập để nâng cấp 4.000 ngôi làng nông thôn, nơi sinh sống của khoảng 58 triệu người, để họ có thể đối phó tốt hơn với cái nóng khắc nghiệt. Nhưng thay vì đưa ra các giải pháp công nghệ cao, El Battouty cho biết nhiều thay đổi xanh được lấy cảm hứng từ kiến thức bản địa địa phương.
El Battouty chia sẻ: "Những ngôi làng này đã tồn tại. Đó là nhờ kiến thức vốn có về thích nghi với điều kiện khắc nghiệt đã tồn tại hàng nghìn năm. Chúng tôi xem xét giải pháp nào trong số đó là khả thi và tích hợp chúng”.
Họ sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như đá vôi xốp và đá sa thạch cho phép không khí lưu thông qua các bức tường. Họ cũng nâng các cấu trúc lên khỏi mặt đất một chút để ngăn nhiệt hấp thụ từ bên dưới, làm tối các lối vào, lắp đặt mái phản quang, sử dụng cửa sổ góc cạnh và rèm che có thể điều chỉnh để chặn nhiệt trong khi vẫn cho phép ánh sáng chiếu vào.
Cô El Battouty nói rằng cần phải thay đổi tư duy trong lĩnh vực kiến trúc để các tòa nhà được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề làm mát ngay từ đầu.