Sân bay Euroairport Basel-Mulhouse-Freiburg (BSL)
Sân bay Euroairport Basel-Mulhouse-Freiburg nằm ngay tại địa điểm "giao thoa" biên giới Pháp, Thụy Sĩ và Đức. Sân bay này phục vụ 3 thành phố khác nhau là: Basel (Thụy Sĩ), Mulhouse (Pháp) và Freiburg (Đức).
Basel là thành phố lớn nhất và cũng gần sân bay này nhất. Mặc dù sân bay Euroairport Basel-Mulhouse-Freiburg nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Pháp, nhưng Thụy Sĩ được hưởng một số quyền ngoài lãnh thổ nhờ hiệp ước song phương đặc biệt khiến Euroairport, về nhiều mặt và mục đích, trở thành sân bay của Thụy Sĩ cũng như của Pháp. Kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước, chính quyền Đức cũng đã có đại diện tại một số cơ quan quản lý của sân bay.
Về mặt thực tế, điều này đồng nghĩa với việc có khu vực của Pháp và Thụy Sĩ, với sự phân chia ngay giữa nhà ga sân bay. Mỗi khu vực đều có ranh giới và các điểm kiểm tra hải quan riêng với nhân viên của quốc gia tương ứng. Tuy nhiên, sân bay vẫn nằm trong lãnh thổ thuộc chủ quyền của Pháp và lực lượng cảnh sát Pháp phụ trách an ninh về tổng thể.
Việc Thụy Sĩ gia nhập khu vực thị thực Schengen của Liên minh Châu Âu đã làm giảm bớt khoảng cách này và kể từ năm 2008, việc đi lại giữa hai khu vực của Pháp và Thụy Sĩ tại sân bay Euroairport Basel-Mulhouse-Freiburg không bị cản trở.
Pháp và Thụy Sĩ có quy định khác biệt về yêu cầu đối với nhập cảnh trong thời kỳ dịch COVID-19. Ví dụ, tại một số thời điểm trong đại dịch, du khách đến Pháp phải trải qua xét nghiệm trong khi Thụy Sĩ không yêu cầu xét nghiệm nhưng áp dụng cách ly bắt buộc. Vấn đề đã được giải quyết bằng cách phân chia những hành khách khách đến Thụy Sĩ trong suốt thời gian áp dụng các biện pháp này.
Sân bay Geneva (GVA)
Sân bay Geneva ban đầu có tên Cointrin, nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Thụy Sĩ nhưng đường băng của cảng hàng không này lại vắt sang biên giới Pháp. Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, giới chức Thụy Sĩ muốn mở rộng đường băng sân bay Geneva và lựa chọn phù hợp duy nhất là chạm đến lãnh thổ Pháp.
Vấn đề được giải quyết bằng việc ký kết hiệp ước quốc tế theo đó Thụy Sĩ có thể mở rộng đường băng và đổi lại Pháp được sử dụng một phần của sân bay Geneva. Bởi vì Thụy Sĩ nằm trong khối Schengen nhưng không thuộc liên minh thuế EU nên hải quan Pháp cũng hoạt động tại sân bay Geneva.
Một ủy ban hỗn hợp với các đại diện cấp cao của cả hai bên thường họp ít nhất một lần mỗi năm để giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến các thỏa thuận quốc tế này.