Những người Ấn Độ khốn khổ đi đòi quyền... chưa chết

Ông Ramjanam Mauriya không nhớ đã đi đi lại lại không biết bao nhiêu km đường đến văn phòng thẩm phán quận Azamgarh, bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ với những chồng tài liệu ròng rã hai năm qua chỉ để làm một việc duy nhất: chứng minh ông còn… sống.

Ông Ramjanam Mauriya, người nông dân đang đấu tranh đòi quyền... chưa chết ở Ấn Độ.


Năm 2013, khi muốn để lại mảnh đất của tổ tiên cho cậu con trai, ông Mauriya mới tá hỏa hay tin về mặt giấy tờ ông được cho là đã chết. Ngạc nhiên hơn nữa, người sở hữu duy nhất của mảnh đất rộng 1.500m2 ông được thừa kế từ bố mình năm 1993 là em trai ông, người được ông giao cho trông nom khi ông chuyển đến ngôi làng bên vợ một vài năm sau đó. “Thật là điên tiết. Tôi còn sống, thế mà họ cứ bảo tôi chết rồi”, ông Mauriya hậm hực nói.

Câu chuyện của người đàn ông 65 tuổi còn sống sờ sờ nhưng bị kết luận đã chết không phải là trường hợp duy nhất xảy ra ở Ấn Độ. Ngoài ông, rất nhiều người dân khác ở bang Uttar Pradesh cũng được cho là đã qua đời trong hồ sơ chính thức. 

Lí do tình này trạng xảy ra, theo khẳng định của các nạn nhân, là âm mưu chiếm đoạt đất của những người họ hàng vô đạo đức. Chính bản thân ông Mauriya cho hay câu chuyện sống chết oái ăm của ông là tác phẩm của người em trai nhằm chiếm đất tổ tiên để lại.

Trong những trường hợp khác, kịch bản tương tự xảy ra và những người đứng đằng sau làm giả hoặc phá hủy giấy tờ được cho chính là những người thân thích của bị hại, từ anh chị em họ đến cháu trai hay thậm chí là con trai trong gia đình.

Gần như tất cả những trường hợp chứng tử giả đều xảy ra ở bang Uttar Pradesh, trong đó, quận Azamgarh nằm cách thủ phủ Lucknow của bang khoảng 300km về phía đông là trung tâm của các vụ việc tranh chấp đất đai ngày một gia tăng trong những thập kỉ qua.

Sống như đã chết

40 năm trước, ông Lal Bihari phát hiện ra mảnh đất rộng khoảng 1,2ha của mình ở quận Azamgarh đã thuộc quyền sở hữu của một trong những người anh em họ trong khi ông được kết luận đã qua đời. Sau rất nhiều nỗ lực đấu tranh và cuối cùng thuyết phục được các tòa án rằng bản thân là nạn nhân của một trò sự lừa đảo, ông Bihari đứng ra thành lập một tổ chức mang tên “Hiệp hội Người chết” để giúp đỡ những người rơi vào cùng cảnh ngộ khốn khổ.

“Tôi như phát điên chạy từ hết văn phòng này tới văn phòng khác trong hàng tháng trời. Có lúc tôi còn bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của chính mình. Kẻ thù không ra tay giết người nhưng bạn có khác nào đã chết”, ông Bihari kể lại hành trình gian truân tìm lại “sự sống”.

Mặc dù ông Bihari cho hay tổ chức của mình hiện đang giúp đỡ cho khoảng 200 vụ tương tự trên toàn quốc, song theo khẳng định của các nhà chức trách, những vụ tranh chấp đất đai như vậy đã bị chấm dứt và những cáo buộc như trên là sai lầm. Trong khi đó, thẩm phán quận Azamgarh L Y Suhas thì cho rằng ngày nay phần lớn hồ sơ đã được lưu trữ bằng máy tính nên không thể làm giả những chi tiết cá nhân như sống hay đâ chết. Theo ông, “một số người chỉ cố nổi tiếng”.

Nếu như nhiều người phải chạy vạy để chứng thực tình trạng chưa chết, thì câu chuyện của ông chủ quản lý cửa hàng kẹo Jagdish Prasad Gupta, 52 tuổi, là hành trình đấu tranh để chứng minh ông từng tồn tại trên Trái đất này. “Hồ sơ cho thấy tôi chưa bao giờ được sinh ra bởi vì bố tôi mất khi còn là một đứa trẻ”, ông Gupta kể.

Năm 1997, ông được xác định không tồn tại và do đó một mảnh đất ông thừa kế được chuyển cho một người họ hàng. Năm 2002, quyết định được thay đổi nhưng chỉ một năm sau đó, dở mếu dở cười, ông lại trở về trạng thái “không tồn tại”. Theo chia sẻ của ông Gupta, cuộc kiện tụng mà ông đang tham gia là cuộc chiến cho những thế hệ tương lai của gia đình ông, và đó cũng là động lực đế ông tiếp tục.

Nhà xã hội học Mohammad Arshad tại Viện Khoa học Xã hội ở Uttar Pradesh cho biết, mong muốn sở hữu đất là động cơ chính dẫn đến những vụ tranh giành nêu trên. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại Ấn Độ cùng với việc dân số tăng nhanh khiến nhiều người sẵn sàng quay lưng lại với máu mủ tình thâm.

Anh Tiếu (Theo AFP)
Ma túy mới càn quét nước Mỹ có mùi... hôi chân
Ma túy mới càn quét nước Mỹ có mùi... hôi chân

Loại ma túy cực độc hại có tên Flakka đã xuất hiện và "tàn phá" các bang Illinois, Ohio, Texas, Kentucky, California và Florida của nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN