Vua Tây Ban Nha Charles V là người đã chắp cánh cho chuyến đi lịch sử này sau khi nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan không thể thuyết phục nhà vua ở quê hương ủng hộ hành trình tham vọng của mình. Vào ngày 10/8/1519, tổng cộng 237 người, dưới sự chỉ huy của nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan, đã giương buồm ra khơi trong chuyến hải hành lịch sử khám phá tuyến đường mới tới quần đảo Moluccas của Indonesia (ngày nay là quần đảo Maluku).
Tuy nhiên, không phải ai cũng đi đến cuối hành trình. Trước những sóng gió giữa biển khơi, các thủy thủ bắt đầu cảm thấy bi quan về chuyến đi phía trước và nhà thám hiểm Magellan đã phải đối mặt với sự chống đối của các thuyền trưởng người Tây Ban Nha. Chỉ trong vòng một năm kể từ ngày khởi hành, Magellan đã mất 2 trong số 5 tàu, trong đó một tàu bị chìm ở phía Nam châu Mỹ và tàu còn lại đã quay trở về Tây Ban Nha thay vì mạo hiểm đương đầu với những cơn bão lớn ở vùng biển phía Nam.
Cuộc hải trình đầu tiên vòng quanh thế giới đã viết tên Magellan vào các cuốn sách lịch sử. Tuy nhiên, ít ai biết rằng vị chỉ huy đoàn thám hiểm này thậm chí đã không thể đi đến đích. Magellan đã bỏ mạng trong một cuộc chiến với người dân bản địa trên đảo Mactan của Philippines vào tháng 4/1521. Một nhà hàng hải người Tây Ban Nha có tên Sebastian Elcano đã thay Magellan cầm bánh lái và chỉ huy đoàn thám hiểm lúc này chỉ còn lại 18 thủy thủ thuộc đội tàu của Magellan. Họ đã kết thúc hành trình và trở về thành phố Seville, miền Nam Tây Ban Nha, vào tháng 9/1522 trên tàu Victoria, con tàu duy nhất còn sót lại.
Đường tìm về nơi xuất phát của đoàn thám hiểm hoàn toàn không phải là lộ trình mà Vua Tây Ban Nha Charles V vẽ ra. Chỉ thị ban đầu của Vua Charles V là tìm đường đến "quần đảo gia vị" Moluccas và quay trở lại Tây Ban Nha bằng cách đi ngược về phía Đông, thay vì đi đúng một vòng Trái đất. Hai con tàu đã đến được Moluccas, trong đó một tàu đã mạo hiểm vượt bão để quay lại Tây Ban Nha bằng cách băng qua Thái Bình Dương. Trong khi đó, tàu còn lại do Elcano làm thuyền trưởng, đã không tuân theo các chỉ thị của Vua Charles V và đã thành công trong chuyến đi đánh cược với số phận tới phía Tây và không đi qua vùng biển Bồ Đào Nha.
Nhà thám hiểm Magellan được ví là người tiên phong trong "thời đại vàng khám phá" mà đã góp phần vào sự mở rộng thuộc địa của Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, người Tây Ban Nha cho rằng vinh quang này thuộc về họ. Hồi tháng 3 vừa qua, Học viện Lịch sử Hoàng gia Tây Ban Nha tuyên bố chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới bằng đường biển cách đây 500 năm là kế hoạch của riêng người Tây Ban Nha. Để dàn xếp tranh cãi mà đến nay vẫn chưa "hạ hồi phân giải", hai quốc gia láng giềng này đã nhất trí sẽ cùng tổ chức sự kiện kỷ niệm 500 năm ngày đoàn thám hiểm đi vòng quanh thế giới trong năm nay.
Gác lại tranh cãi ai mới là người thực hiện thành công chuyến đi vòng quanh thế giới đầu tiên, câu chuyện này tự nó đã đi vào lịch sử. Ông Jose Manuel Marques, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm ở Bồ Đào Nha, cho rằng nhà thám hiểm Magellan đã lần đầu tiên mang đến một cái nhìn toàn diện về thế giới, qua đó cho chúng ta thấy rằng chỉ có duy nhất một đại dương và đại dương là thứ gắn kết các dân tộc.