Nhu cầu tàu chở dầu trong năm tới sẽ tăng cao nhất trong 30 năm

Theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu Clarkson (Anh), nhu cầu đối với các tàu chở dầu sẽ tăng vọt vào năm tới lên mức cao chưa từng thấy trong ba thập kỷ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Reuters

Theo Bloomberg, tổ chức nghiên cứu trên dự báo rằng số tấn dặm sẽ tăng khoảng 9,5% trong năm tới. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1993.

Tấn dặm là khối lượng hàng hóa nhân với quãng đường mà hàng hóa đi qua. Đây là một thước đo phổ biến mà ngành vận tải biển sử dụng.

Một phần lý do gia tăng nhu cầu tàu chở dầu là thay đổi về lộ trình vận chuyển do những lệnh trừng phạt sắp được áp đặt đối với ngành xuất khẩu dầu của Nga. Nga sẽ cần chuyển dầu thô sang những người mua không tham gia áp trần giá dầu hoặc các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như châu Á. Tuy nhiên, điều này khiến tuyến đường vận chuyển dầu Nga tới tay người mua khác sẽ dài hơn.

Ông Anders Redigh Karlsen, một nhà phân tích tại Kepler Cheuvreux, nói với Bloomberg: “Tuyến đường có thể dễ dàng tăng gấp 5 hoặc 6 lần về khoảng cách và điều đó có nghĩa là sẽ cần nhiều tàu hơn nữa để vận chuyển cùng khối lượng trước đó. Điều đó sẽ làm tăng nhu cầu về tàu chở sản phẩm dầu”.

Vào tháng 9, công ty vận tải biển Torm của Đan Mạch cho biết: “Lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu Nga từ tháng 2/2023 sẽ tạo ra nhu cầu điều chỉnh lại hệ sinh thái thương mại dầu mỏ. Một số điều chỉnh thương mại này đã bắt đầu rồi”.

Một yếu tố khác là các nhà máy lọc dầu mới ở châu Á và Trung Đông dự kiến ​​ bắt đầu xuất khẩu.

Thị trường tàu chở dầu đã có một năm thuận lợi, thu nhập cao nhờ cước vận chuyển nhiên liệu tinh chế trên các hành trình tầm trung tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2008.

Nhu cầu về tàu chở dầu đã tăng lên kể từ khi EU trừng phạt Nga. Các công ty vận tải biển đã phải tranh giành để có tàu chở dầu trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực. Trong khi đó, vài năm qua, hầu như không có mấy tàu chở dầu được chế tạo mới. Đóng mới tàu chở dầu không phải là điều mà ngành này có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Do đó, nguồn cung tàu chở dầu có thể sẽ vẫn khan hiếm, đẩy chi phí vận chuyển dầu và nhiên liệu lên cao hơn.

 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Áp giá trần dầu khí Nga có ‘khai tử’ thị trường năng lượng tự do?
Áp giá trần dầu khí Nga có ‘khai tử’ thị trường năng lượng tự do?

Áp giá trần dầu khí Nga là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Liên minh châu Âu (EU) đang áp trần giá khí đốt, còn nhóm G7 đang cố gắng áp trần giá dầu Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN