Hậu vụ khủng bố ở Paris:

Nhịp điệu “vồn vã” và “thoảng qua” của truyền thông

Hai vụ khủng bố chỉ diễn ra chỉ cách nhau ít giờ ở hai quốc gia, với tội ác như nhau và được cho là cùng một thủ phạm. Thế nhưng dư luận truyền thông quốc tế dường như có hai cách tiếp cận khác biệt.


Khủng bố đẫm máu tại một loạt các địa điểm ở Paris hôm 13/11 là một sự mất mát lớn đối với nước Pháp. Dư luận và truyền thông thế giới thể hiện sự đoàn kết với người dân Pháp, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố.

Cư dân mạng tại Lebanon có lẽ là những người đầu tiên trên thế giới đưa ra một góc nhìn khác đối với “đêm kinh hoàng” tại Paris. Họ chỉ ra rằng, rất nhiều tòa nhà, công trình mang tính biểu tượng tại nhiều nước phương Tây đã được trang hoàng bằng ánh sáng đèn mô phỏng lá cờ Pháp, coi đây là cách tưởng nhớ đến những người bị thiệt mạng ở Paris. Thế nhưng những nạn nhân xấu số người Lebanon trong vụ đánh bom khủng bố diễn ra trước đó chưa đầy một ngày, cũng do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng ra nhận trách nhiệm, lại không nhận được một sự chia sẻ tương tự. Cũng chẳng có việc Facebook kích hoạt chức năng thay ảnh đại diện tạm thời in hình quốc kỳ Lebanon như những gì mà công ty này đã làm sau thảm họa ở Pháp.

Cảnh sát tuần tra ở trung tâm Paris sau vụ tấn công đẫm máu tối ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Họ cũng “săm soi” các phát biểu của nhiều nhà lãnh đạo. Tổng thống Mỹ Barack Obama coi đòn đánh vào Paris là “vụ tấn công vào nhân loại”. Còn Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng kế thừa đánh giá này và nhần mạnh cả thế giới “phải có chung một lý tưởng, một mục tiêu là bảo vệ các giá trị và  cuộc sống của mình, cũng như làm thất bại những những âm mưu tấn công của các tổ chức khủng bố nhằm vào chúng ta”. Nhiều người khác cũng lên tiếng thể hiện tinh thần đoàn kết tuyệt đối với người dân Pháp, lên án mạnh mẽ quân khủng bố IS. Thế nhưng, với vụ đánh bom kép ở ngoại ô thủ đô Beirut hôm 12/11, dường như chẳng mấy người để tâm.

Những người dân Lebanon đặt câu hỏi: Phải chăng dư luận chẳng mấy quan tâm và lên án hoạt động khủng bố tại Lebanon hay tại một đất nước nghèo khó, xung đột nào đó, vì chuyện chết chóc này là quá thường tình?

Và điều khác biệt hơn cả chính là cách đưa tin của truyền thông phương Tây mà ở đó dường như việc phân định các nạn nhân ở Lebanon là phần việc chính, chứ không phải là việc thể hiện niềm thương xót với những con người này. Lồng ghép trong nhiều bài viết là những yếu tố chính trị theo thiên hướng một chiều. Tờ The New York Times (Mỹ) giật tít: “Các vụ nổ đánh trúng sào huyệt của quân Hezbollah ở miền nam Beirut”. Reuters (Anh) thì cho chạy dòng tin “Hai kẻ đánh bom tự sát nhằm vào cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon”. Tờ Huffington Post (Canada) thậm chí còn đi xa hơn khi trích dẫn ý kiến một chuyên gia nói rằng “việc các công dân ở khu Dahiyeh, địa điểm do phái Hezbollah kiểm soát ở ngoại ô Beirut, phải đối mặt với các vụ đánh bom tiếp theo chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Lá thư của một nhà báo Lebanon

Người dân Lebanon tưởng niệm những nạn nhân trong hai vụ đánh bom khủng bố ở ngoại ô Beirut hôm 12/11. Ảnh: Reuters


Tờ Alzareeja ngày 15/11 cho đăng tải một bức thư của một nhà báo người Lebanon, nói về các cuộc tấn công khủng bố ở Beirut và Paris chỉ cách nhau có một ngày. Dưới đây là trích đoạn một phần nội dung bức thư:

“…Tôi thực sự cảm thấy sốc khi nghe tin. Paris là thành phố mà tôi yêu mến. Trong chuyến thăm Paris mới nhất, tôi đã từng ở tại chính khu phố là nơi mà nhà hát Bataclan tọa lạc. Tôi biết những con đường và đại lộ đó. Tim tôi rung động khi nhìn vào bàn đồ thể hiện địa điểm các vụ tấn công, nơi nhiều người dân Paris phải chịu thảm cảnh – như những gì xảy ra đối với người dân nước tôi chỉ vài giờ trước đó.

Liền sau đó, quốc tế đồng thanh lên án. Người dân khắp nơi trên thế giới cầu nguyện. Các tòa nhà, công trình biểu tượng trên toàn cầu được trang hoàng bằng ánh điện tạo hình cờ nước Pháp. Mọi người ai cũng xót thương.

Tôi ngồi tại nơi làm việc vào sáng ngày 14/11, tự hỏi tại sao người dân nước mình lại không được quan tâm như vậy, sao cái chết của tôi chẳng có nghĩa lý gì và tại sao tôi lại chẳng có thể có được sự tương xứng chính trị tương ứng. Người dân Lebanon không được hưởng sự lên án của dư luận nhằm vào quân khủng bố. Cái chết của những nạn nhân đã không đủ sức thức tỉnh Tổng thống Mỹ Barack Obama, để buộc ông phải đưa ra một tuyên bố về ‘một cú đánh nhằm vào nhân loại’.

Người nước tôi chỉ nhận được sự quan tâm chút xíu của truyền thông, có nhiều đài báo thậm chí còn đưa kèm sau bản tin thời tiết. Chúng tôi không nhìn thấy những công trình kiến trúc được trang hoàng cờ Lebanon bằng ánh sáng. Họ không có được nút ấn ‘báo an toàn’ trên Facebook để liên hệ với người thân….

Chúng tôi có thể yêu cầu thế giới hãy coi Beirut cũng quan trọng như Paris, cũng như đề xuất Facebook thêm nút báo an toàn để sử dụng hàng ngày, hoặc là để mọi người quan tâm đến chúng tôi. Nhưng sự thực nằm ở chỗ, chúng tôi là dân tộc đã quá quen với tổn thương mà bao lâu nay cố gắng để hàn gắn.

Cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân trong những vụ bạo lực - dù là ở Paris hay Beirut hay đâu đó, yên nghỉ”.

Hoài Thanh (Theo aljazeera)
G-20 gióng chuông báo động về hoạt động khủng bố
G-20 gióng chuông báo động về hoạt động khủng bố

Lãnh đạo các nước G-20 đã gióng lên hồi chuông báo động về sự xuất hiện ngày càng nhiều "các tay súng khủng bố nước ngoài".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN