Nhiều nữ lãnh đạo nổi bật ở Afghanistan đang phải chạy trốn Taliban

Ngay cả khi Taliban lên tiếng đảm bảo với thế giới rằng họ đã trở nên ôn hoà hơn, phần lớn các nhà lãnh đạo nữ hàng đầu Afghistan đều đang chạy trốn. 

Những tuần gần đây, các chiến binh Taliban đã bắn chỉ thiên để giải tán các đám đông biểu tình ở Kabul cùng một số thành phố khác nhằm đòi quyền lợi được tham gia vào chính phủ cũng như giáo dục và làm việc của người phụ nữ. 

Một điểm chính của các cuộc biểu tình này chính là nhằm phản đối việc Taliban loại trừ phụ nữ trong thành phần nội các mới vừa được công bố vào tuần trước - bước tụt lùi so với các chính phủ trước đây.

Chú thích ảnh
Bà Naheed Farid. Ảnh: AFP

Phong trào Taliban cho biết sẽ tôn trọng quyền của người phụ nữ trong giới hạn của luật Hồi giáo, cho phép họ đi làm hoặc đi học miễn là họ không ngồi lẫn với nam giới. Nhóm Hồi giáo này cũng đã tìm cách để chứng minh cho cả thế giới thấy rằng họ được phụ nữ ủng hộ, thông qua sự kiện cuối tuần trước khi các chiến binh vũ trang đi cùng hàng trăm phụ nữ che kín mặt cầm biểu ngữ ủng hộ Taliban, đồng thời các nữ lãnh đạo chạy trốn khỏi Afghanistan không đại diện cho họ.

Tờ Bloomberg đã điểm danh một số nữ chính trị gia nổi bật đã phải rời bỏ quê hương Afghanistan hoặc đang lẩn trốn vì lo sợ sẽ bị Taliban trả thù. 

Cựu nghị sĩ Quốc hội Fawzia Koofi

Chú thích ảnh
Ảnh: AFP

Bà Koofi, 46 tuổi, là nghị sĩ đại diện cho tỉnh miền Bắc Badakshan, từng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội Afghanistan. Ít tháng trước khi Taliban chiếm được Kabul, bà đã tham gia các cuộc đàm phán với nhóm vũ trang này, qua đó đòi hỏi quyền lợi được đóng góp ý kiến nhiều hơn cho nữ giới đối với những chính sách quan trọng. 

Là một người mẹ đơn thân, việc Koofi bảo vệ cho phụ nữ đã khiến bà không được lòng những người bảo thủ, thậm chí trở thành mục tiêu của nhiều vụ ám sát. Được lọt vào danh sách rút gọn cho Giải Nobel Hòa bình năm 2020, bà Koofi rời khỏi Afghanistan hai tuần sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát và đang vận động các chính phủ viện trợ nhân đạo cho đất nước Nam Á này.

Cựu nghị sĩ Quốc hội Naheed Farid

Bà Farid, 37 tuổi, là Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề phụ nữ của quốc hội cũng như là nghị sĩ đại diện cho thành phố Herat suốt 10 năm nay. Bà có bằng quan hệ quốc tế của Đại học George Washington và được biết đến với quan điểm tiến bộ của mình. Năm ngoái, bà đã soạn thảo và triển khai thành công đề xuất cho phép ghi tên các bà mẹ trên giấy khai sinh.

Nữ chính trị gia cảnh báo rằng chính phủ Taliban không có sự giám sát của Liên hợp quốc và quốc tế sẽ là một “chế độ khủng bố”. BBC đưa tin bà đã chạy trốn khỏi đất nước vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân và các con.

Uỷ viên nhân quyền Sima Samar

Chú thích ảnh
Ảnh: AFP

Bà Samar từng giữ chức Bộ trưởng về các vấn đề của phụ nữ trong chính phủ của ông Hamid Karzai hồi đầu thập niên 2000. Nhờ có bà, trẻ em gái được quay trở lại trường học còn phụ nữ được tham gia lực lượng lao động. 

Chính khách 64 tuổi này đã may mắn sống sót qua nhiều vụ ám sát khi giữ chức vụ trên. Sau khi từ chức, bà tiếp tục điều hành các bệnh viện ở Afghanistan và đứng đầu Ủy ban nhân quyền độc lập. Nơi ở của bà hiện chưa được xác định. 

Cựu nhà đàm phán với Taliban Habiba Sarabi

Là đại diện của nhóm người thiểu số Hazara và bác sĩ y khoa, bà Sarabi là một trong bốn nữ lãnh đạo duy nhất tham gia đàm phán hoà bình với Taliban trước khi Mỹ rút quân. Chính trị gia 65 tuổi này đã thúc đẩy vai trò lớn hơn dành cho nữ giới tại Afghanistan. 

Bà đã giành được nhiều giải thưởng vì sự nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ ở Afghanistan. Bà hiện tiếp tục lên tiếng chỉ trích Taliban từ một địa điểm không được tiết lộ.

Cựu Đại sứ tại Na Uy Shukria Barakzai

Bà Barakzai từng là nhà báo sau đó chuyển sang hoạt động chính trị và giữ chức Đại sứ tại Na Uy. Bà đã rời khỏi quê hương sau khi Taliban giành quyền lực. 

Là người dân tộc Pahstun, bà Shukria Barakzai là nhân vật ủng hộ hàng đầu cho quyền phụ nữ kể từ năm 2001 khi Mỹ đánh bại Taliban. Chỉ vài tháng sau khi chế độ cũ sụp đổ, cô thành lập tạp chí Aina-e-Zan, hay Women’s Mirror, tập trung vào các vấn đề của phụ nữ.

Cựu Thị trưởng Zarifa Ghafari

Chú thích ảnh
Ảnh: AFP

Zarifa Ghafari, 29 tuổi, là thị trưởng trẻ nhất của thành phố Maidan Shahr ở phía Bắc Kabul trước khi cô cùng gia đình chạy đến nước Mỹ hồi tháng trước. Khi giữ chức thị trưởng, cô trở thành nạn nhân của 6 vụ ám sát. Cha của cô đã bị sát hại hồi năm ngoái nhằm ép buộc Ghafari từ chức. 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã trao cho cô Ghafari giải thưởng Người phụ nữ can đảm quốc tế năm 2020 vì sự dũng cảm và kiên quyết của cô trong quá trình đấu tranh cho người phụ nữ được đến các địa điểm công cộng. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Anh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 12-15 tuổi
Anh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 12-15 tuổi

Các chuyên gia y tế Anh đã quyết định tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi ở nước này trước lo ngại số ca nhiễm có thể tăng nhanh sau kỳ nghỉ hè. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN