Nhiều câu hỏi xoay quanh hai lò phản ứng hạt nhân mới của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại rằng hai lò phản ứng hạt nhân mới Trung Quốc đang xây dựng sẽ sản xuất plutoni sử dụng cho mục đích kép dân sự và quân sự.

Chú thích ảnh
Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ảnh: Reuters

Giống như nhiều đảo nhỏ khác quanh bờ biển Trung Quốc, Changbiao không gây nhiều ấn tượng về lịch sử và địa lý. Changbiao chỉ là “một chấm nhỏ” ở ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến nhưng gần đây lại trở thành cái tên gây chú ý bởi được lựa chọn làm địa điểm lắp đặt 2 lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh CFR-600.

Lò phản ứng đầu tiên đang được xây dựng và dự kiến kết nối với đường dây tải điện từ năm 2023, lò phản ứng thứ hai dự kiến "hòa vào mạng lưới điện" từ năm 2026. Hai lò phản ứng phối hợp sẽ sản xuất năng lượng có thể hỗ trợ Trung Quốc đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết, đồng thời hướng tới mục tiêu đến năm 2060 cân bằng carbon.

Hai lò phản ứng được xây tại Changbiao sản xuất plutoni vốn có thể tái xử lý và dùng làm nguồn nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân khác. Ngoài ra, plutoni còn có thể được trưng dụng để sản xuất đầu đạn hạt nhân.

Kênh Al Jazeera đánh giá điều này khiến giới quan sát quốc tế đặt nhiều câu hỏi về mục đích sử dụng của hai lò phản ứng hạt nhân CFR-600 tại Trung Quốc. Ngày 18/5, Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood còn lên tiếng cáo buộc Trung Quốc chần chừ trong đàm phán song phương về giảm thiểu rủi ro hạt nhân.

Điều càng gây chú ý là việc Trung Quốc ngừng báo cáo tự nguyện thường niên với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về lượng plutonium dân sự năm 2017. Trung Quốc đồng thời không bổ sung hai lò phản ứng mới trên đảo Changbiao vào cơ sở dữ liệu của IAEA. Trước đây, Trung Quốc thường minh bạch về chương trình plutoni dân sự.

Do đó, nhà nghiên cứu Frank von Hippel tại Chương trình Khoa học và An ninh toàn cầu thuộc Đại học Princeton (Mỹ) đánh giá việc Trung Quốc thiếu minh bạch ngay từ đầu khiến các chuyên gia và nhiều nước khác quan ngại.

Ông Hippel và một số chuyên gia khác đã viết báo cáo nhận định đến năm 2030 Trung Quốc “có thể sản xuất 1.270 vũ khí hạt nhân bằng số plutoni khai thác từ chương trình lò phản ứng này”.

Ông Nickolas Roth tại Trung tâm Stimson ở Washington, DC đánh giá: “Các biện pháp xây dựng tin tưởng như công khai lượng plutoni với IAEA thực sự quan trọng. Khi các quốc gia không có thông báo, đặc biệt ở thời điểm họ đi theo con đường sản xuất thêm nguyên liệu thì đó là lý do chính đáng để lo ngại”.

Chú thích ảnh
Công nhân đi qua một nhà máy năng lượng tại tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: CNN

Mục tiêu của Trung Quốc là đến giai đoạn cuối của "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" cho 2021-2025, 20% năng lượng của nước này bắt nguồn từ thủy điện, năng lượng Mặt Trời, năng lượng Gió và năng lượng hạt nhân để giảm phụ thuộc và năng lượng than đá.

Hiện nay chỉ có khoảng 4,9% năng lượng của Trung Quốc bắt nguồn từ năng lượng hạt nhân. Nếu được “chăm sóc đúng mức” thì ước tính đến năm 2070 năng lượng hạt nhân có thể cung cấp 13% nhu cầu năng lượng Trung Quốc.

Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025 các nhà máy hạt nhân tại nước này sản xuất được 70 gigawatt, tăng so với mức 51 51 gigawatt hiện nay và đến năm 2035 là 180 gigawatt. Theo dữ liệu của IAEA, Trung Quốc hiện có 50 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành và 14 lò phản ứng khác đang được xây dựng, chưa tính đến 2 lò tại đảo Changbiao.

Nhưng ông Roth và ông Hippel đều nhận định rằng dựa trên kinh nghiệm từ các quốc gia khác từng thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh tương tự loại tại Changbiao thì đây là hình thức kém hiệu quả nhất để chuyển hóa năng lượng từ hạt nhân.

Ông Roth nói: “Thực tế là việc không tái sử dụng nhiên liệu sẽ tiết kiệm hơn. Nhiên liệu sử dụng lần đầu với urani làm giàu thấp sẽ kinh tế hơn”. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc phát triển lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh cho mục đích năng lượng là không hợp lý về kinh tế.

Bộ Ngoại giao, Cơ quan Năng lượng Quốc gia cùng Bộ Kỹ thuật Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc đều chưa phản hồi câu hỏi Al Jazeera đưa ra liên quan đến diễn biến này.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nữ sinh 11 tuổi tự mình thoát khỏi kẻ bắt cóc cầm dao
Nữ sinh 11 tuổi tự mình thoát khỏi kẻ bắt cóc cầm dao

Sáng 18/5, trong lúc chờ xe buýt của trường học tới đón, một bé gái 11 tuổi tại Pensacola, Florida (Mỹ) đã bị một kẻ lạ mặt tấn công và có âm mưu bắt cóc cô bé.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN