Lý do quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất châu Phi vẫn quyết định gỡ bỏ phong toả

Tunisia đã quyết định kết thúc đợt phong toả kéo dài một tuần, mặc dù số ca tử vong trên đầu người của nước này được ghi nhận cao nhất so với bất kỳ các quốc gia nào ở châu Phi.

Chú thích ảnh
Nhiều người Tunisia coi nỗi đau kinh tế của việc phong toả là nguy cơ lớn hơn cả virus. Ảnh: EPA

Theo trang The Guardian (Anh), ban đầu, khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên bùng phát vào năm ngoái, các trường hợp mắc COVID-19 ở Tunisia khá thấp. Song quốc gia này vẫn tiến hành áp đặt lệnh phong toả kéo dài 6 tuần, bao gồm đóng cửa biên giới và tất cả các cửa hàng, trừ các hoạt động kinh doanh thiết yếu, để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, sau khi gỡ bỏ phong toả, các ca nhiễm virus bắt đầu gia tăng. Số trường hợp mắc và tử vong hàng ngày ở Tunisia hiện cao nhất châu Phi. Theo thống kê của trang mạng Our World in Data, ít nhất 11.899 trong số 11,7 triệu dân Tunisia đã tử vong vì COVID-19 với 327.473 người mắc bệnh. Nếu tình trạng lây lan tiếp tục diễn ra mà không được kiểm soát, Viện Đánh giá và Đo lường Sức khoẻ Mỹ dự đoán rằng số ca tử vong sẽ đạt gần 50.000 người vào tháng 9 tới.

Mặc dù chính phủ đã đưa ra những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, song những hành động này được cho là không nhất quán. Hơn nữa, sự bất ổn chính trị và khủng hoảng tài chính đang làm gia tăng áp lực cho các nhà chức trách nước này trong bối cảnh virus bùng phát mạnh mẽ.

Tunisia đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho người dân từ tháng 3. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này rất thấp, do sự hoài nghi vaccine còn cao, ngay cả các nhân viên y tế. Cho đến nay, chỉ có gần 1/5 dân số Tunisia đã đăng ký tiêm chủng trên trang web của chính phủ.

Ngành y tế, từng là lĩnh vực đáng tự hào của Tunisa, đang phải gồng mình trước nguy cơ sụp đổ vì COVID-19. Các nhà kinh tế cho biết nguồn tài trợ y tế cũng đã giảm trong nhiều năm, cùng với sự sụt giảm của ngân sách đầu tư do việc chuyển hướng để củng cố an ninh trong nước, khi các phong trào Hồi giáo cực đoan ngày càng hùng mạnh hơn.

Chú thích ảnh
Tunisia đang bị tàn phá bởi đợt thứ ba của đại dịch COVID-19. Ảnh: DW

Đầu tháng này, các nhân viên chăm sóc sức khỏe đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 3 ngày kêu gọi cải thiện điều kiện làm việc và tiền lương trong ngành. Trong một diễn biến khác, một video do đài truyền hình Đức Deutsche Welle ghi lại cho thấy nhiều bệnh nhân phải nằm trên sàn của một phòng chờ đông đúc, trong khi một người nằm trên nóc tủ. Nhu cầu sử dụng mặt nạ ôxy cũng đang ở mức cao trong khi nguồn cung thiếu hụt trầm trọng.

“Các bệnh viện và phòng khám tư nhân đều đã quá tải, có nghĩa là bệnh nhân có thể phải chờ đợi rất lâu mới tìm được giường. Điều này đặc biệt gây trở ngại cho những bệnh nhân cần được đặt nội khí quản và chăm sóc đặc biệt”, Bác sĩ gây mê Mohamed Ghedira, người đang làm việc tại các trung tâm điều trị COVID-19 trên khắp cả nước, nói.

Bác sĩ Ghedira cho biết thêm rằng tình trạng bệnh nhân COVID-19 tăng mạnh đã đặt ra những áp lực lớn đối với nhân viên y tế của Tunisia, khi nguồn nhân lực vốn thiếu thốn do nhiều chuyên gia đã chuyển sang định cư nước ngoài.

Mặc dù phản ứng ban đầu của Tunisia đối với đại dịch COVID-19 đã giành được nhiều lời khen ngợi, nhưng việc định hình chính sách hiện tại đang là một thách thức lớn với quốc gia Bắc Phi này.

 “Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 15% vào đầu năm 2020 lên 17,4% vào cuối năm”, nhà kinh tế Radhi Meddeb nói và cho biết virus SARS-CoV-2 đã tàn phá nền kinh tế đang suy thoái 8,8% trong đại dịch.

Bất chấp những đề nghị giảm thuế và các khoản vay của chính phủ, nhiều người Tunisia vẫn nhận thấy gánh nặng kinh tế của việc phong toả đang đè nặng lên họ. Hơ nữa, phần lớn lực lượng lao động nước này không đủ điều kiện được hưởng quyền lợi từ các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng tại thành phố Ariana, gần thủ đô Tunis của Tusinia, đồng loạt đóng cửa. Ảnh: Shutterstock

Biện pháp phong toả, ban đầu được triển khai từ đầu tháng 4, đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội. Nhiều quán cà phê và nhà hàng vẫn mở cửa bất chấp các hạn chế. 

“Việc không thể thực hiện các biện pháp y tế công cộng phản ánh sự thiếu tin tưởng ngày càng tăng vào chính phủ. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại nhất. Hơn nữa, khả năng truy vết tiếp xúc, xét nghiệm giám sát và đánh giá của Tunisia còn yếu kém”, ông Zied Mhirsi, Giám đốc Chiến lược Y tế Toàn cầu, tổ chức thúc đẩy sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, cho biết.

Trong khi đó, Youssef Cherif, Giám đốc Trung tâm Toàn cầu thuộc Đại học Columbia ở thủ đô Tunis, cho biết giống với nhiều quốc gia khác, nỗi đau kinh tế của việc phong toả được coi là nguy cơ lớn hơn cả virus.

“Sự thiếu quan tâm của người dân đã dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh và hàng nghìn trường hợp tử vong trong vài tháng qua. Những ngừơi trực tiếp bị ảnh hưởng, bao gồm gia đình tôi, đều cảm nhận được điều đó. Trong khi những người chưa từng phải chịu đựng nỗi đau do COVID-19 gây ra vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường”, ông nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Lo ngại diễn biến COVID-19 tại Nepal còn đáng sợ hơn ở Ấn Độ
Lo ngại diễn biến COVID-19 tại Nepal còn đáng sợ hơn ở Ấn Độ

Nhiều cơ sở y tế tại Nepal đã từ chối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh thiếu ôxy, giường bệnh và thuốc điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN