Theo hãng tin AP, cô bé mắc kẹt 7 tiếng liền rồi mới được cứu thoát. Mẹ và anh chị em đều thiệt mạng cạnh cô bé.
Gia đình Ishkontana bị chôn vùi trong ngôi nhà đổ sập sáng sớm 16/5. Israel không kích khu vực này để đánh sập mạng lưới đường hầm của phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Vụ không kích không được báo trước.
Cha bé Suzy, anh Riad Ishkontana, cho biết bản thân anh phải nằm 5 tiếng dưới một tảng bê tông, không thể tới chỗ vợ và 5 con. Anh kể: “Tôi nghe giọng vợ con dưới đống đổ nát. Tôi nghe thấy bé Dana và Zain gọi bố rồi lịm dần. Tôi biết chúng đã chết”.
Sau khi được cứu và đưa tới bệnh viện, Ishkontana cho biết gia đình và nhân viên bệnh viện đã giấu anh về cái chết của vợ con. May mắn là bé Suzy vẫn còn sống, dù 4 anh chị em đều thiệt mạng.
Bác sĩ nhi khoa Zuhair Al-Jaro cho biết mặc dù bé Suzy không bị thương nặng nhưng đang chịu cú sốc và chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Bệnh viện không có điều kiện điều trị tâm lý cho bé do cuộc chiến đang tiếp diễn. Bác sĩ Al-Jaro nói: “Cô bé đang trầm cảm nặng”.
Tới ngày 18/5, Suzy mới ăn đôi chút sau khi được ra ngoài bệnh viện một lúc để gặp anh chị em họ.
Thời gian còn lại, Suzy ngồi trên giường cạnh bố, câm lặng, nhìn mặt mọi người trong phòng nhưng hiếm khi nhìn vào mắt ai. Khi được hỏi muốn làm gì khi lớn lên, Suzy quay mặt đi. Lúc Ishkontana trả lời thay con gái, nói rằng cô bé muốn làm bác sĩ thì Suzy bắt đầu khóc to.
Những đứa trẻ như Suzy đang chịu chấn thương nặng nề trong cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza. Đối với một số em, đó là chấn thương mà các em liên tục gặp phải trong tuổi đời ngắn ngủi.
Đây là lần thứ 4 trong 12 năm qua, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas giao chiến. Mỗi lần, Israel đều không kích vào Gaza để đáp trả rocket của Hamas.
Theo giới chức y tế Gaza, ít nhất 63 trẻ em trong số 217 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza từ khi Israel và Hamas bắt đầu xung đột ngày 10/5. Về phía Israel, 12 người thiệt mạng do rocket của Hamas, trong đó có một bé trai 5 tuổi.
Gia đình Ishkontana chỉ là một trong nhiều gia đình mất nhà cửa, người thân ngày hôm đó ở Gaza. Vụ không kích hôm đó nhằm trúng con phố al-Wahda, một trong những đại lộ thương mại sầm uất nhất Gaza, có nhiều tòa nhà chung cư và nhiều cửa hàng, hiệu bánh, quán cà phê, cửa hàng điện tử nằm ở tầng 1.
Ba tòa nhà đã đổ sập và nhiều người thiệt mạng. Tổng cộng 42 người chết, trong đó có 10 trẻ em và 16 phụ nữ ngày đó.
Video trên mạng xã hội từ Gaza quay cảnh người thân đau đớn khi cả gia đình đều thiệt mạng trong chớp mắt. Một người cha than khóc bên ngoài bệnh viện sau khi biết cả bốn đứa con đều chết. Một cậu bé gào thét vừa gọi bố vừa chạy trước đoàn người khiêng thi thể bố đi chôn cất.
Trước đây, Israel và Hamas đã xung đột nhiều lần vào các năm 2008/2009, 2012 và 2014. Lần nào cũng gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất.
Các cha mẹ ở Gaza tìm mọi cách để trấn an con cái đang hoảng sợ vì bom đạn trút xuống như mưa. Họ nói với những đứa nhỏ nhất rằng đó chỉ là pháo hoa và tìm cách làm các con vui vẻ.
Hội đồng Người tị nạn Na Uy cho biết 11 trong số trẻ em thiệt mạng trong cuộc chiến này đã từng tham gia chương trình tâm lý-xã hội để giúp các em vượt chấn thương tâm lý.
Ông Hozayfa Yazji, Giám đốc Hội đồng Người tị nạn Na Uy tại khu vực, nói: “Đây là lần thứ 4 mà nhiều em trải qua xung đột. Bạo lực sẽ ảnh hưởng tới tâm lý các em. Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ tệ hơn nhiều và nhiều trẻ em sẽ cần hỗ trợ”.
Hội đồng đã làm việc với 118 trường học ở Gaza, tiếp cận trên 75.000 học sinh. Chương trình huấn luyện giáo viên biết cách đối xử với học sinh bị chấn thương tâm lý và tổ chức các hoạt động vui nhộn giải tỏa căng thẳng. Chương trình cũng có nhân viên tới tận nhà để hỗ trợ trẻ em.
Tổng thư ký Hội đồng Người tị nạn Na Uy Jan Egeland kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức: “Hãy tha cho những trẻ em này và gia đình các em. Hãy ngừng ném bom ngay bây giờ”.
Tuy nhiên, ông Egeland cho rằng về lâu dài, cần chấm dứt phong tỏa Gaza nếu muốn tránh chấn thương tâm lý và thương vong cho trẻ em ở đây.