Theo số liệu của Bộ Thông tin và Nội vụ, công bố trước Ngày Vì Người cao tuổi (17/9), tính đến ngày 15/9, số người từ 70 tuổi trở lên đã chiếm 20,7% dân số, tăng so với con số 19,9% cách đây một năm.
Tỷ lệ hưu trí tăng cao trong khi tổng dân số giảm do tỷ lệ sinh thấp, khiến Chính phủ Nhật Bản phải đối phó với chi phí cho an sinh xã hội ngày một tăng trong khi thiếu hụt lực lượng lao động.
Số người già, được xác định từ 65 tuổi trở lên, đã đạt kỷ lục 35,57 triệu người, tăng 440.000 người so với năm trước, và hiện chiếm 28,1% tổng dân số. Số phụ nữ cao tuổi đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 20 triệu người, hiện ở mức 20,12 triệu, so với hơn 15,45 triệu đàn ông cao tuổi.
Bộ trên cho biết tỷ lệ người cao tuổi trong dân số Nhật Bản đã ở mức cao nhất thế giới, sau đó là 23,3% ở Italy, 21,9% ở Bồ Đào Nha, và 21,7% ở Đức. Viện quốc gia nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản ước tính tỷ lệ trên ở Nhật Bản sẽ lên tới 35,5% vào năm 2040.
Bên cạnh đó, người Nhật sống lâu hơn, số người từ 80 tuổi trở lên đạt 11,04 triệu người, tăng 310.000 người so với cách đây một năm, trong đó có 2,19 triệu người từ 90 tuổi trở lên, tăng 140.000 người. Trong khi đó, số người già vẫn còn làm việc đã tăng liên tiếp trong 14 năm qua, đạt kỷ lục 8,07 triệu người trong năm 2017, chiếm 12,4% người lao động ở nước này. Trong số các người lao động cao tuổi, 3/4 làm việc bán thời gian.