Nhật Bản thiếu nhân viên y tế 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhiều tỉnh, thành ở Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hiện nước này có khoảng 8.000 bệnh viện, nhiều nhất trong số các nước thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và cao hơn nhiều so với con số 6.000 bệnh viện ở Mỹ. Bên cạnh đó, Nhật Bản có tỷ lệ giường bệnh/1.000 dân là 13, cao hơn rất nhiều so với các nước khác thuộc nhóm G7 như Đức (8), Anh và Mỹ (khoảng 2)… Tuy nhiên, theo Tổ chức Tư vấn Y tế toàn cầu Nhật Bản, nước này chỉ có 0,19 bác sỹ/giường bệnh, trong khi Mỹ có tới 0,91 bác sỹ/giường bệnh.

Nhiều cơ sở y tế ở Nhật Bản đang phải căng mình ứng phó với các cụm lây nhiễm. Chỉ riêng trong tháng 11, các cụm lây nhiễm đã xuất hiện ở khoảng 100 bệnh viện trên toàn quốc, gấp hơn 3 lần so với một tháng trước đó. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nhân viên y tế, đặc biệt là các tỉnh Osaka và Hokkaido, nơi tỷ lệ bệnh nhân/số giường bệnh không ngừng tăng, trong khi các nhân viên y tế ở tuyến đầu đã phải làm việc liên tục trong nhiều ngày để chữa trị và chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19. 

Trước tình hình này, Chính phủ Nhật Bản dự định lập một khuôn khổ hợp tác liên tỉnh mới, theo đó các tỉnh, thành sẽ cử y tá và bác sỹ tới các tỉnh khác đang gặp khó khăn về nhân lực để giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện đang chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, chính phủ dự kiến huy động Lực lượng Phòng vệ (SDF) vào công tác phòng chống dịch. Ngày 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã chỉ thị cho SDF cử y tá tới Hokkaido hỗ trợ tỉnh cực Bắc này ứng phó với dịch.

Ngày 8/12, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 47 ca tử vong, cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 lên 2.458. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng ghi nhận thêm 2.175 ca nhiễm mới ở 44 trong 47 tỉnh, thành.

* Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc bất ngờ tăng trở lại gần 700 ca trong ngày 9/12. Trước đó, số ca nhiễm mới đã giảm xuống dưới ngưỡng 600 ca/ngày nhờ tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận 686 ca nhiễm mới trong ngày 8/12, trong đó có 662 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 39.432 ca. Riêng khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận có 524 ca nhiễm mới, chiếm 76,3%. Số ca tử vong là 556 ca. Số liệu thống kê của KDCA cũng cho thấy số ca nhiễm không rõ nguồn lây chiếm tới 26%. Đặc biệt, trong tháng này đã có tới 4% số người làm xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoC-2 nhưng không có triệu chứng, tăng gấp 4 lần so với hai tháng trước.

Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 2,5 bắt đầu từ 0h00 ngày 8/12 ở Seoul và vùng phụ cận trong 3 tuần. Tuy nhiên, KDCA cho rằng việc xem xét nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 3 (mức cảnh báo cao nhất) là cần thiết nếu xu hướng lây nhiễm trong cộng đồng không giảm trong những ngày tới. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Chung Sye-kyun kêu gọi người dân ở khu vực Seoul và vùng phụ cận nên ở nhà trong thời gian này, ngoại trừ các hoạt động cần thiết, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế có thể sụp đổ nếu xu hướng lây lan hiện nay không được kiểm soát.

Trước những diễn biến bất thường của dịch, Chính phủ Hàn Quốc quyết định áp dụng 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới có sự cải thiện vượt bậc so với phương pháp xét nghiệm hiện hành. Đó là phương pháp xét nghiệm nhanh RDT (Rapid Diagnostic Test) phát hiện kháng nguyên virus và xét nghiệm bằng nước bọt. Hiện tại, phương pháp xét nghiệm bằng cách khuếch đại gen (PCR) có độ chính xác cao lên tới 99%, nhưng quá trình xét nghiệm rất nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có nhân viên y tế có kinh nghiệm và kỹ năng để lấy mẫu dịch xét nghiệm. Trong khi đó, xét nghiệm nhanh RDT không cần trang thiết bị, có thể cho kết quả ngay tại nơi lấy mẫu và chỉ mất từ 15-30 phút, nhanh hơn so với phương pháp hiện tại là mất khoảng 6 tiếng. Phương pháp này sẽ được áp dụng tại các viện dưỡng lão, phòng cấp cứu, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, các trạm xét nghiệm lưu động ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận sẽ được kéo dài thời gian mở cửa vào buổi tối và các ngày nghỉ. Chính phủ Hàn Quốc cũng xúc tiến phương án thiết lập và vận hành thêm các trạm xét nghiệm lưu động "Drive-thru" quy mô lớn giúp giới nhân viên công sở, tầng lớp trẻ có thể xét nghiệm nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Theo cách này, người xét nghiệm không cần phải xuống xe ô tô mà chỉ cần mở cửa xe để được chẩn đoán, đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm.

Đào Thanh Tùng -  Anh Nguyên (TTXVN)
Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế hơn 700 tỷ USD chống COVID-19
Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế hơn 700 tỷ USD chống COVID-19

Ngày 8/12, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thông báo chính phủ nước này đã soạn thảo gói kích thích kinh tế bổ sung trị giá 73.600 tỷ yen (707 tỷ USD) để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN