Kết quả thử nghiệm của nhóm nghiên cứu cho thấy phần lớn các tế bào có kháng thể trung hòa này không bị nhiễm SARS-CoV-2. Kháng thể trung hòa được tạo ra trong cơ thể con người khi các tế bào bị nhiễm virus. Kháng thể này bám chặt vào virus và ngăn không cho chúng đeo bám các thụ quan trên bề mặt của các tế bào.
Giáo sư Katayama Kazuhiko của Đại học Kitasato cho biết việc nghiên cứu phương pháp chữa trị bằng kháng thể sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn. Ông bày tỏ hy vọng đây sẽ là một phương pháp chữa trị mới.
Theo đài truyền hình NHK, nhóm nghiên cứu trên dự định sẽ hợp tác với các hãng dược phẩm để thực hiện thí nghiệm trên động vật và tiến hành các nghiên cứu cần thiết khác. Sau đó, họ hy vọng sẽ sản xuất kháng thể trên để phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 7/5, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã cấp phép lưu hành thuốc kháng virus Remdesivir do hãng dược phẩm Gilead Sciences Inc. của Mỹ bào chế để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19. Đây là loại thuốc chữa COVID-19 đầu tiên được cấp phép ở nước này.