Trong văn bản hướng dẫn mới, giới chức Nhật Bản đã nâng giới hạn số lượng người tối đa được phép tham gia các sự kiện thể thao và các sự kiện khác từ 1.000 lên 5.000. Từ ngày 1/8, giới hạn này có thể sẽ được nâng lên 50% số ghế của địa điểm tổ chức, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh trong cả nước.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các nhà tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc lập danh sách những người tham dự và lắp đặt các hệ thống thông gió tại địa điểm diễn ra sự kiện.
Về phần mình, các nhà tổ chức thể thao như giải bóng đá J-League và giải bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản (NPB) sẽ tiến hành kiểm tra thân nhiệt của khán giả và yêu cầu họ đeo khẩu trang khi ở trong sân vận động.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 243 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Nhật Bản và là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 200.
Ngay sau thông tin trên, "sắc đỏ" đã ngập tràn trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo do các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 238,48 điểm (1,06%) xuống còn 22.290,81 điểm so với một ngày trước đó. Chỉ số đo lường giá cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo Topix giảm 22,04 điểm (1,42%) xuống 1.535,2 điểm.
Số ca nhiễm mới gia tăng liên tục trong những ngày qua tại thủ đô Tokyo trên khiến nhiều người quan ngại về làn sóng thứ hai lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike nhấn mạnh số ca mắc COVID-19 tăng là kết quả của việc tăng số lượng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lên mức 3.000 xét nghiệm/ngày.
Mặc dù vậy, Thị trưởng Koike vẫn kêu gọi người dân và các cơ sở kinh doanh thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời đề nghị chủ sở hữu các cơ sở giải trí về đêm có nhân viên mắc COVID-19 hợp tác.
Trước đó một ngày, Tokyo đã ghi nhận thêm 224 ca nhiễm mới. Như vậy, tính đến ngày 10/7, tổng số ca mắc COVID-19 ở Tokyo là 7.515.
Nhận định về tình hình dịch bệnh ở Tokyo, Giáo sư Tsuneo Morishima, một chuyên gia y tế hàng đầu của Nhật Bản, cho rằng số ca nhiễm mới tăng sau khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn quốc hôm 25/5 là vấn đề đáng lo ngại.
Giáo sư Morishima cũng cảnh báo về sự xuất hiện của các cụm lây nhiễm ở các khu phố giải trí về đêm tại trung tâm thủ đô Tokyo. Ông khuyến cáo “cần cẩn trọng không để các cụm lây nhiễm này lan sang người già, bệnh viện và khu vực nông thôn ngoại vi Tokyo, nơi có hệ thống y tế kém phát triển hơn. Nếu tình trạng này xảy ra ở quy mô lớn, có thể cần tái áp dụng các biện pháp hạn chế”.
Theo Giáo sư Morishima, những nhận định của giới chuyên gia về virus SARS-CoV-2 đang bị đảo lộn. Ban đầu, có ý kiến cho rằng khả năng lây lan của virus sẽ giảm khi thời tiết ấm lên hay độ ẩm cao. Tuy nhiên, tình hình lây lan dịch bệnh ở Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới cho thấy điều này không đúng.
Trong diễn biến liên quan, ngày 10/7, Đại học Y tế Fujita thông báo một trong những nghiên cứu lâm sàng về thuốc Avigan kháng virus cho thấy loại thuốc do công ty dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical (Nhật Bản) bào chế không có tác dụng hiệu quả trong việc chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết nước này sẽ bắt đầu nghiên cứu tác động dài hạn của virus SARS-CoV-2 lên các bệnh nhân COVID-19. Theo dự kiến, nghiên cứu này sẽ được tiến hành với khoảng 2.000 người đã từng nhiễm virus và sẽ kéo dài tới tháng 3 năm sau.
Theo NHK, nhiều bệnh nhân COVID-19 ở trong và ngoài Nhật Bản có biểu hiện mệt mỏi, sốt hoặc thở gấp trong nhiều tháng sau khi xuất viện. Việc khả năng hô hấp và vận động giảm có thể khiến nhiều người khó khôi phục cuộc sống bình thường.