Nhật Bản nhắm đến Việt Nam cho thỏa thuận chia sẻ dầu đầu tiên với ASEAN

Nhật Bản đặt mục tiêu cùng Việt Nam tham gia thỏa thuận chia sẻ dầu đầu tiên với một quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh Tokyo tìm cách đảm bảo nguồn cung dầu không bị gián đoạn một khi xảy ra sự cố.

Chú thích ảnh
Mặc dù khu vực Đông Nam Á phụ thuộc lớn vào nguồn dầu ở Trung Đông nhưng một số quốc gia lại thiếu biện pháp dự phòng, chỉ đủ lượng dầu để tiêu thụ nội bộ trong một tháng. Ảnh minh họa: Nikkei

Một nguồn tin trong Chính phủ Nhật Bản tiết lộ với tờ báo tài chính Nikkei Asia rằng thỏa thuận trên là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm đạt được các thỏa thuận chia sẻ dầu với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo một đề xuất, mỗi bên tham gia sẽ xây dựng kho dự trữ dầu thô riêng, cũng như xăng, nhiên liệu diesel và các chế phẩm dầu mỏ khác, để chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp bị gián đoạn nguồn cung.

Nhật Bản và các nước ASEAN đều phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu từ Trung Đông. Nhưng trong khi Nhật Bản đã duy trì lượng dầu dự trữ đủ để tiêu thụ nội địa trong hơn 200 ngày thì một số nước Đông Nam Á sẽ chỉ có nguồn cung trong một tháng.

Theo tập đoàn dầu khí đa quốc gia BP, hơn 60% các chuyến vận chuyển dầu thô đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt nguồn từ Trung Đông. Tính dễ bị tổn thương của các nguồn cung này đã được phản ánh rõ vào tháng trước, khi tàu chở container khổng lồ Ever Given nằm chắn ngang kênh đào Suez, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng từ chăn nuôi đến dầu thô. Đây là rủi ro mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các nhà sản xuất khác đang hoạt động tại Đông Nam Á phải đối mặt.

Theo nguồn tin trên, Chính phủ Nhật Bản tiếp cận Việt Nam trước tiên với đề xuất chia sẻ dầu mỏ. Sau khi tình hình dịch COVID-19 lắng xuống, Tokyo dự định bắt đầu các cuộc đàm phán tích cực với mục đích đạt được thỏa thuận vào thời gian sớm nhất.

Nhật Bản cũng đang chuẩn bị thảo luận với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và các nước thành viên ASEAN khác để ký kết các thỏa thuận hợp tác tương tự. Đối với Philippines, Nhật Bản đang xem xét một hình thức khác, trong đó Tokyo sẽ đưa ra lời khuyên về việc xây dựng kế hoạch dự trữ dầu.

Tháng trước, Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản, hay còn gọi là Jogmec, đã cùng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và các nhóm khác tổ chức một cuộc họp với đại diện của 8 chính phủ ASEAN. Tại đó, phía Nhật Bản kêu gọi sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của trữ lượng dầu mỏ và hợp tác.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tìm cách hợp tác với các nhà sản xuất dầu mỏ. Hồi tháng 12/2020, Tokyo đã ký thỏa thuận với Kuwait để xây dựng một kho dự trữ dầu chung ở Nhật Bản. Thỏa thuận cũng đi kèm một cơ chế mà theo đó một phần dầu dự trữ có thể được chia sẻ với các nước thứ ba ở châu Á, nếu Nhật Bản và Kuwait đồng ý.

Bất chấp xu hướng toàn cầu hướng tới việc giảm thải khí cacbon, Chính phủ Nhật Bản tin rằng dầu sẽ vẫn là một nguồn năng lượng chính trong thời gian ngắn hạn. Khu vực châu Á nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tăng cao nhu cầu sử dụng dầu.

Trong khi đó, Nhật Bản đang hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ, chẳng hạn như các nguồn năng lượng tái tạo, giúp làm giảm lượng khí nhà kính trong trung và dài hạn.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Khủng hoảng COVID-19 trầm trọng, người dân Ấn Độ tuyệt vọng lên mạng cầu cứu
Khủng hoảng COVID-19 trầm trọng, người dân Ấn Độ tuyệt vọng lên mạng cầu cứu

Những lời kêu cứu khẩn cấp, tuyệt vọng trên mạng xã hội cho thấy quy mô khủng khiếp của đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ - quốc gia ghi nhận trên 300.000 ca mắc mới mỗi ngày trong thời gian gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN