Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm sự biến động của giá thực phẩm tươi sống) đã tăng tháng thứ 33 liên tiếp nhưng đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2017 của chỉ số này.
Ông Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Norinchukin, nhận định: “Có vẻ như việc nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và sự suy giảm về thu nhập của các hộ gia đình trong năm nay đã tác động tiêu cực tới đà tăng của lạm phát”. Một quan chức của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết lạm phát đang yếu dần chủ yếu do giá dầu giảm.
Trong tháng 9, giá xăng đã giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là tháng thứ 4 liên tiếp, giá nhiên liệu này giảm, trong khi giá dầu hỏa và giá gas giảm tương ứng 2,6% và 0,3%. Điều này phản ánh nhu cầu nhiên liệu yếu do tác động tiêu cực của đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Bên cạnh đó, cước phí điện thoại di động cũng giảm 5,2% do các nhà mạng lớn giảm cước phí di động theo yêu cầu của Chính phủ. Giá tour du lịch nước ngoài trọn gói cũng giảm 2,8%.
Ở chiều ngược lại, giá máy hút bụi tăng 33,3% do các nhà sản xuất đồ điện gia dụng bắt đầu tung ra các mẫu sản phẩm mới trong tháng 9, trong khi giá kem cũng tăng 7,6% do giá nguyên liệu thô và chi phí nhân công tăng.
Hiện nay, lạm phát ở Nhật Bản vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Vì vậy, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết ngân hàng trung ương này sẽ không do dự thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung nếu động lực hướng tới mục tiêu trên bị mất.
Theo kế hoạch, phiên họp thường kỳ sắp tới của Hội đồng Chính sách BOJ sẽ diễn ra vào ngày 30 và 31/10.