Nhật Bản đề xuất xử phạt mạnh các nhà ngoại giao nước ngoài phạm luật giao thông

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cảnh báo cơ quan này có thể thực thi các biện pháp mạnh đối với những đại sứ quán từ chối nộp phạt vi phạm giao thông. 

Chú thích ảnh
Hoạt động giao thông tại Tokyo năm 2017. Ảnh: AFP

Các biện pháp trên đang được Bộ Ngoại giao Nhật Bản cân nhắc sử dụng sau khi nhận được thống kê cho thấy đoàn ngoại giao của Nga và Trung Quốc để xảy ra tình trạng vi phạm giao thông nhiều nhất. 

Tính chất nghiêm trọng của vấn đề đã được đưa ra trong một buổi điều trần của Ủy ban Ngân sách của Thượng viện Nhật Bản gần đây. Tại buổi điều trần, các quan chức chính phủ khẳng định phái đoàn ngoại giao của nhiều nước tại Tokyo vẫn đang nợ khoảng 40 triệu yên (366.480 USD) tiền phạt vi phạm giao thông. 

Tờ Guardian đưa tin theo thống kê, chỉ có khoảng 830 trong tổng số 3.948 lỗi vi phạm giao thông của các đại sứ quán nước ngoài ở Nhật Bản trong năm 2018 được xử lý và vẫn tồn đọng 3.118 phiếu phạt chưa được giải quyết. Mặc dù số vụ vi phạm đã giảm trong những sau đó nhưng nhiều khoản tiền phạt chỉ đơn giản là được tự động xóa bỏ sau khi hết thời hiệu 5 năm xử lý vi phạm hành chính.

Tokyo từ chối tiết lộ chính xác số tiền phạt vi phạm giao thông mà Đại sứ quán Nga và Trung Quốc chưa nộp. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ có thể xác nhận rằng các trường hợp vi phạm liên quan đến các nhà ngoại giao Moskva và Bắc Kinh đã bỏ xa một quốc gia khác đứng ở vị trí thứ 3 về việc chưa trả tiền phạt. 

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ với báo This Week In Asia: “Thật đáng tiếc khi có những thành viên ngoại giao đoàn của các nước vi phạm lỗi đỗ xe nhưng không chấp nhận nộp tiền phạt”. Quan chức này bổ sung: “Phản ứng về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao nước ngoài tôn trọng luật pháp sở tại và các quy định liên quan đến các quy tắc giao thông của Nhật Bản, bao gồm cả việc nộp phạt”.

Quan chức này nói thêm rằng yêu cầu nộp phạt đã được gửi trực tiếp tới các quan chức ngoại giao cấp cao tại một số đại sứ quán để xảy ra tình trạng vi phạm giao thông nhiều nhất, trong đó có cả đại sứ. Tuy nhiên, các nhân viên ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ nên các nhà chức trách Nhật Bản phải được sự chấp thuận của đại sứ quán để thu hồi tài sản nhằm bù đắp cho số tiền nộp phạt. Ngược lại, với các công dân Nhật Bản, chính quyền thường áp dụng biện pháp tịch thu tài sản nếu họ không chấp hành quy định nộp phạt vi phạm giao thông. 

Shingo Miyake, nghị sỹ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đề xuất các biện pháp chặt chẽ hơn để buộc các đại sứ quán tuân thủ luật, chẳng hạn như rút lại chế độ miễn thuế mua nhiên liệu cho các phương tiện ngoại giao.

Quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thúc giục các đoàn ngoại giao nước ngoài tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và luật giao thông, loại bỏ các hành vi vi phạm giao thông và việc không nộp phạt”. Quan chức này cho biết thêm: “Chúng tôi đang xem xét các biện pháp thích hợp có thể đem lại hiệu quả thực sự nếu số vụ vi phạm vẫn ở mức cao và tình hình không được cải thiện”.

Một nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản giấu tên nói: “Tôi nghĩ các bạn sẽ sớm thấy mọi thứ thay đổi và chúng tôi sẽ làm gì đó để giải quyết vấn đề này”.

Đức Trí/Báo Tin tức
Tướng Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể sớm phóng thử tên lửa liên lục địa
Tướng Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể sớm phóng thử tên lửa liên lục địa

Tướng Không quân Mỹ Glen VanHerck đã đưa ra cảnh báo trên trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN