Theo Breaking the News, phát biểu tại một phiên họp ủy ban quốc hội ngày 21/2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định, song dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc và lây lan ra 25 vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ gây ra những tổn hại nặng nền cho nền kinh tế toàn cầu.
Hiện BoJ vẫn chưa thể tính toàn cụ thể những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 gây ra đối với sự tăng trưởng kinh tế, song cơ quan này sẽ sớm thảo luận về các sửa đổi chính sách tiền tệ.
Trong một diễn biến liên quan, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng cho hay sẽ đưa ra những ưu tiên để thảo luận, tập trung vào các lĩnh vực như sức khỏe toàn cầu và bệnh dịch, tính bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như an ninh lương thực và nước.
Hội nghị Cấp cao G20 sắp tới dự kiến kéo dài hai ngày từ 21/11/2020 tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), với chủ đề “Nhận diện cơ hội của Thế kỷ 21”. Ra đời từ năm 1999, Hội nghị G20 là diễn đàn thường niên tập hợp đại biểu hàng đầu tới từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm đẩy mạnh sự hợp tác kinh tế toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 20/2, đã có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc đại lục thông báo xuất hiện dịch COVID-19, với tổng số ca được xác nhận là 1.076, thấp hơn nhiều so với con số khoảng 75.465 ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục. Cơ quan dự báo và phân tích kinh tế hàng đầu Oxford Economics ngày 19/2 đã đưa ra dự đoán nếu COVID-19 trở thành đại dịch, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 1.100 tỉ USD.
Kênh truyền hình RT đưa tin Oxford Economics đã dựng lên hai kịch bản về dịch bệnh do chủng virus Corona gây ra. Trong kịch bản thứ nhất, nếu virus nCoV lan rộng hơn tại châu Á, GDP của thế giới sẽ giảm 400 tỷ USD trong năm nay, tương đương 0,5%.
Kịch bản thứ hai tiên đoán GDP toàn cầu giảm tới 1.100 tỷ hay 1,3% nếu COVID-19 bùng phát thành đại dịch và sự gián đoạn hoạt động sản xuất tại châu Á lan rộng khắp thế giới. Mức độ thiệt hại này có thể tương đương với việc mất tổng sản lượng hàng năm của Indonesia – nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới.
Các nhà phân tích tại Oxford Economics viết: “Các kịch bản của chúng tôi cho thấy GDP toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong tiêu dùng và du lịch, với một số hiệu ứng dây chuyền trong thị trường tài chính cũng như đầu tư yếu hơn".
Hãng dự báo tài chính này cho biết vẫn kỳ vọng ảnh hưởng do dịch bệnh sẽ chỉ giới hạn tại Trung Quốc, đồng thời có tác động rõ rệt song ngắn hạn chỉ khiến GDP thế giới thấp hơn 0.2% so với mức 2,3% hồi tháng 1. Số ca mắc mới virus Corona đã giảm trong tuần này tuy, nhiên các chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để xóa bỏ toàn bộ nguy cơ xảy ra đại dịch.