Tuy nhiên, chương trình trên dự kiến sẽ không áp dụng đối với những người dưới 16 tuổi. Lý giải về vấn đề này, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các nước khác đang sử dụng vaccine của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho những người từ 16 tuổi trở lên căn cứ vào các dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng.
Ngày 20/1, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức ký hợp đồng với Pfizer để mua khoảng 144 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do hãng này bào chế. Nhật Bản sẽ bắt đầu tiêm vaccine vào cuối tháng 2 tới. Các đối tượng ưu tiên trong giai đoạn đầu gồm các nhân viên y tế, những người từ 65 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền.
Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở Nhật Bản. Mới đây, nước này đã phát hiện 3 người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Những người này ở trong độ tuổi từ 20 đến 60 và đang sống tại tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản.
Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), những người này hoàn toàn không ra nước ngoài trong thời gian gần đây và không tiếp xúc với người nhiễm biến thể trên. MHLW nghi ngờ 3 bệnh nhân COVID-19 nói trên có thể đã nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thông qua quá trình lây nhiễm trong cộng đồng.
Số liệu thống kê cho thấy tính đến ngày 20/1, số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ở Nhật Bản tiếp tục ghi nhận các mức cao kỷ lục mới ngày thứ 17 liên tiếp và tăng lên 1.014 người. Trong ngày 20/1, nước này ghi nhận thêm 5.532 ca mắc mới, trong đó Tokyo có 1.274 ca, và thêm 92 ca tử vong.
Liên quan công tác phòng, chống dịch, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản vừa thông qua 3 dự luật cho phép xử phạt những doanh nghiệp hoặc cá nhân không tuân thủ biện pháp phòng chống COVID-19, trong đó có dự luật cho phép thống đốc các địa phương thuộc diện ban bố tình trạng khẩn cấp yêu cầu các doanh nghiệp đổi giờ làm việc và tiến hành điều tra tại chỗ ngay cả trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các thống đốc sẽ có quyền phạt tiền các doanh nghiệp không tuân thủ với số tiền phạt có thể lên tới khoảng 5.000 USD trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp và khoảng 3.000 USD trong thời gian không ban bố tình trạng này.
Bên cạnh đó, một luật khác có nội dung cho phép các thống đốc yêu cầu những người nhiễm virus SARS-CoV-2 phải ở cơ sở lưu trú được chỉ định. Nếu từ chối tuân thủ, những người này có thể bị yêu cầu nhập viện, nếu vẫn không tuân thủ hoặc trốn viện có thể bị phạt tù tới 1 năm hoặc phạt tiền tới khoảng 10.000 USD.
Một dự luật khác cũng được thông qua trong đợt này là luật cách ly sửa đổi, theo đó, về cơ bản, giới chức Nhật Bản được phép yêu cầu những người từ nước ngoài nhập cảnh phải tự cách ly 14 ngày; những người từ chối tự cách ly có thể bị buộc phải lưu trú tại cơ sở chỉ định. Nếu những người này không tuân thủ, họ có thể phải đối mặt với các hình thức xử phạt hình sự như phạt tù 1 năm hoặc phạt tiền lên tới khoảng 10.000 USD. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua các dự luật nói trên tại cuộc họp trong tuần này và sau đó, sẽ đệ trình lên Quốc hội để thông qua trong kỳ họp hiện nay.
* Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận 144 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 20/1, bao gồm 126 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 18 ca từ bên ngoài.
Cụ thể, trong số các ca lây nhiễm trong nước, 68 ca ở tỉnh Hắc Long Giang, 33 ca ở Cát Lâm, 20 ca ở Hà Bắc; Bắc Kinh và Sơn Tây mỗi nơi ghi nhận 2 ca; tỉnh Sơn Đông có 1 ca. Trong ngày 20/1 không có ca tử vong nào do COVID-19 tại Trung Quốc.
Tính đến cuối ngày 20/1, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 88.701 ca mắc COVID-19, trong đó 1.598 bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Tổng số ca mắc nhập cảnh Trung Quốc là 4.563 ca, trong đó, 4.275 ca đã được xuất viện sau khi hồi phục và 288 ca vẫn phải điều trị tại bệnh viện. Không có ca tử vong nào được báo cáo trong số các ca nhập cảnh.