Nhà Trắng’ bật đèn xanh’ cho thỏa thuận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp thuận thúc đẩy thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 gây tranh cãi cho Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ vài giờ sau khi Ankara ngừng cản trở Stockholm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ bay theo đội hình trong cuộc tập trận chung hồi tháng 5 ở Philippines. Ảnh: Getty Images

Theo đài RT (Nga), Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã xác nhận quyết định trên vào hôm 11/7. Ông Sullivan cho biết Tổng thống Biden sẽ tham vấn Quốc hội để hoàn tất thỏa thuận mua vũ khí này.

“Tổng thống Biden không đưa ra bất kỳ cảnh báo hay điều kiện nào. Ông ấy dự định tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận chuyển giao này với sự tham vấn của Quốc hội”, ông Sullivan nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva.

Trước đó, hồi tháng 2, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đe dọa sẽ chặn thỏa thuận F-16 trừ phi Ankara chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu. Phần Lan đã trở thành thành viên NATO hồi tháng 4.

Hôm 10/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Vilnius. Tại đây, ông Erdogan đã chấp thuận ủng hộ đơn xin gia nhập liên minh của Stockholm. Suốt nhiều tháng trước đó, ông Erdogan đã sử dụng quyền phủ quyếtđể phản đối Thụy Điển gia nhập liên minh. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng Thụy Điển đã không thực hiện đủ nghĩa vụ đập tan các hoạt động của đảng Công nhân người Kurd - tổ chức mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Bất chấp sự thay đổi quan điểm của Ankara, một số nhà lập pháp Mỹ vẫn lo ngại về thương vụ F-16. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez cho biết Mỹ phải “tìm cách đảm bảo chấm dứt hành động gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước láng giềng”. Ông cũng bày tỏ lo ngại về các chuyến bay của Ankara qua không phận Hy Lạp.

Theo ông Menendez, cần đảm bảo thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không sử dụng máy bay chiến đấu F-16 “để hành động theo cách liều lĩnh mà họ thực hiện đối với các đồng minh NATO khác, không chỉ Hy Lạp”.

Năm 2019, Washington đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình mua máy bay chiến đấu F-35 vì Ankara đã mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Tháng 10/2021, Ankara đã yêu cầu Mỹ chấp thuận thương vụ vũ khí trị giá 20 tỷ USD, bao gồm mua các máy bay chiến đấu F-16 mới do Lockheed Martin chế tạo, cũng như khoảng 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của nước này.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Nga lên tiếng về mối quan hệ giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ
Nga lên tiếng về mối quan hệ giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ

Điện Kremlin hy vọng quan hệ Kiev-Ankara sẽ không nhằm chống lại Moskva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN